Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại
Phần 1. Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại
Câu 1. Hai giai cấp cơ bản trong xã hội Hy Lạp và La Mã cổ đại là
A. quý tộc và nô lệ.
B. chủ nô và nô lệ.
C. địa chủ và nông dân.
D. lãnh chúa và nông nô.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Xã hội Hy Lạp và La Mã cổ đại tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó hai giai cấp đối kháng cơ bản là chủ nô và nô lệ. (SGK – Trang 55)
Câu 2. Một trong những cơ sở dẫn tới sự hình thành của văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại là
A. sự kế thừa những thành tựu văn minh phương Đông.
B. sự tồn tại của thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế.
C. sự phát triển của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước.
D. sự tồn tại của hai giai cấp lãnh chúa và nông nô.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Sự kế thừa những thành tựu văn minh phương Đông là một trong những cơ sở dẫn tới sự hình thành của văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông trên các lĩnh vực để xây dựng nền văn minh mang bản sắc riêng. (SGK – Trang 55)
Câu 3. Hệ thống chữ La-tinh là thành tựu sáng tạo của cư dân quốc gia cổ đại nào?
A. Cư dân La Mã cổ đại.
B. Cư dân Ấn Độ cổ đại.
C. Cư dân Hy Lạp cổ đại.
D. Cư dân A-rập cổ đại.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Hệ thống chữ La-tinh là thành tựu sáng tạo của cư dân La Mã cổ đại. (SGK – Trang 55)
Câu 4. Hệ thống chữ số La Mã ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng là cống hiến lớn của cư dân quốc gia cổ đại nào?
A. Cư dân Hy Lạp cổ đại.
B. Cư dân La Mã cổ đại.
C. Cư dân Ai Cập cổ đại.
D. Cư dân Trung Quốc cổ đại.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Hệ thống chữ số La Mã ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng là cống hiến lớn của cư dân La Mã cổ đại. (SGK – Trang 55)
Câu 5. Hai bộ sử thi nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại có tên là
A. I-li-át và Ô-đi-xê.
B. Rô-mê-ô và Ju-li-ét.
C. Ka-li-đa-sa và Sơ-kun-tơ-la.
D. Ma-ha-bra-ha-ta và Ra-ma-ya-na.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Hai bộ sử thi I-li-át và Ô-đi-xê của Hô-me là hai bộ sử thi nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Đây là áng anh hùng ca về cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp với thành Tơ-roa. (SGK – Trang 56)
Câu 6. Hy Lạp và La Mã cổ đại thuộc khu vực nào sau đây?
A. Đông Bắc châu phi.
B. Địa Trung Hải.
C. Đông Bắc châu Á.
D. Đông Nam Á.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải. (SGK – Trang 53)
Câu 7. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển thủ công nghiệp ở Hy Lạp và La Mã cổ đại là
A. có nhiều cảng biển.
B. giàu có khoáng sản.
C. nhiều đồng cỏ lớn.
D. đất đai màu mỡ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển thủ công nghiệp ở Hy Lạp và La Mã cổ đại là giàu có khoáng sản. (SGK – Trang 53)
Câu 8. Nội dung nào sau đây phản ánh đúng đặc điểm dân cư của Hy Lạp và La Mã thời cổ đại?
A. Chủ yếu là người La-tinh.
B. Đa dạng về tộc người.
C. Chủ yếu là người Hê-len.
D. Chỉ có một tộc người duy nhất.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Dân cư của Hy Lạp và La Mã thời cổ đại đa dạng về tộc người:
– Cư dân Hy Lạp cổ đại gồm bốn tộc người chính là Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an, phân bố ở các vùng khác nhau. Đến khoảng thế kỉ VIII – VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước là Hy Lạp.
– Cư dân có mặt sớm nhất trên bán đảo I-ta-li-a là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um gọi là người La-tinh. Người La-tinh dựng nên thành La Mã bên bờ sông Ti-bơ và gọi là người La Mã. (SGK – Trang 53)
Câu 9. Hai ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo ở Hy Lạp và La Mã cổ đại là
A. nông nghiệp và thủ công nghiệp.
B. thủ công nghiệp và thương nghiệp.
C. nông nghiệp và thương nghiệp.
D. thủ công nghiệp và công nghiệp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Hai ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo ở Hy Lạp và La Mã cổ đại là thủ công nghiệp (khai khoáng, luyện kim, đóng tàu,…) và thương nghiệp (buôn bán đường biển). (SGK – Trang 54)
Câu 10. Nhà nước thành bang ở Hy Lạp cổ đại theo chế độ nào sau đây?
A. Dân chủ chủ nô.
B. Cộng hòa đại nghị.
C. Quân chủ lập hiến.
D. Quân chủ chuyên chế.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Từ thế kỉ VIII TCN, ở Hy Lạp đã hình thành quốc gia thành bang (còn gọi là thị quốc) phát triển chế độ dân chủ chủ nô. (SGK – Trang 54)
Câu 11. Đền Pác-tê-nông là công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia cổ đại nào?
A. Ai Cập.
B. Ấn Độ.
C. Hy Lạp.
D. La Mã.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Đền Pác-tê-nông là công trình kiến trúc tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại. Ngôi đền thờ thần Athena, được xây dựng vào thế kỷ V trước Công nguyên. Đây là công trình kiến trúc nổi tiếng nhất còn lại của Hy Lạp cổ đại. (SGK – Trang 56)
Câu 12. Người được mệnh danh là “cha đẻ của y học phương Tây” là
A. Pli-ni-út.
B. Ptô-lê-mê.
C. Tuy-xi đít.
D. Hi-pô-crát.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Hi-pô-crát (thầy thuốc Hy Lạp cổ đại) được mệnh danh là “cha đẻ của y học phương Tây”. Ông đã đề ra phương pháp chữa bệnh bằng thuốc và giải phẫu. (SGK – Trang 58)
Câu 13. Phát minh lớn nhất của người La Mã cổ đại về vật liệu sản xuất là
A. gạch nung.
B. phiến đá.
C. bê tông.
D. lưỡi cày.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Phát minh lớn nhất của người La Mã cổ đại về vật liệu sản xuất là bê tông. Nhờ phát minh ra bê tông, người La Mã đã xây dựng được những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga như đấu trường Cô-li-dê, đền Pa-tê-nông, khải hoàn môn Công-xăng-ti-nút,…
Câu 14. Triết học Hy Lạp cổ đại chủ yếu xoay quanh hai trường phái nào sau đây?
A. Triết học duy vật và triết học duy tâm.
B. Triết học cổ điển và triết học cận đại.
C. Triết học cảm tính và triết học lí tính.
D. Triết học duy vật và triết học cổ điển.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Hy Lạp là “quê hương của triết học phương Tây” với nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau, nhưng chủ yếu xoay quanh hai trường phái duy vật và duy tâm. (SGK – Trang 58)
Câu 15. Đến thế kỉ IV, tôn giáo nào sau đây trở thành quốc giáo của đế quốc La Mã?
A. Hồi giáo.
B. Phật giáo.
C. Cơ Đốc giáo.
D. Hin-đu giáo.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Đến thế kỉ IV, các hoàng đế La Mã đã công nhận Cơ đốc giáo là quốc giáo của đế quốc La Mã. (SGK – Trang 59)
Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại
I. Cơ sở hình thành
1. Điều kiện tự nhiên
– Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.
– Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,…
Cảng biển ở Hy Lạp cổ đại
– La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.
2. Dân cư
– Cư dân Hy Lạp cổ đại:
+ Gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an.
+ Đến khoảng thế kỉ VIII – VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.
– Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.
+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.
+ Tộc người Ê-tơ-ru-xcơ, Xen-tơ thiên di đến miền Bắc, người Hy Lạp di cư đến phía nam.
+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã và gọi là người La Mã.
3. Điều kiện kinh tế
– Hy Lạp và La Mã sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoảng, luyện kim, đóng tàu.
– Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.
– Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông. Họ bán các loại rượu nho, dầu ô liu, gốm màu, cẩm thạch, thiếc, chì,…; mua về lương thực, cá, da súc vật, giấy, thuỷ tinh,… Nô lệ là hàng hoá đặc biệt.
3. Tình hình chính trị – xã hội
a. Chính trị
– Vào thời kì nhà nước sơ khai, cư dân cổ ở vùng đất Hy Lạp đã tạo dựng được nền văn minh cổ đầu tiên, gọi là Crét – Mi-xen.
– Từ thế kỉ VIII TCN, ở Hy Lạp đã hình thành quốc gia thành bang (còn gọi là thị quốc) phát triển chế độ dân chủ chủ nô.
Chế độ dân chủ ở Hy Lạp cổ đại (minh họa)
– Đến thế kỉ IV TCN, Ma-xê-đô-ni-a xâm chiếm và thống trị Hy Lạp; văn minh Hy Lạp được truyền bá rộng rãi sang phương Đông qua các cuộc chiến tranh.
– Đến năm 146 TCN, Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã. Nhà nước La Mã cổ đại ra đời muộn hơn, không ngừng mở rộng lãnh thổ, phát triển thành để chế vào thế kỉ I TCN và tồn tại đến thế kỉ V.
b. Xã hội
– Tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó hai giai cấp đối kháng cơ bản là chủ nô và nô lệ.
Chủ nô và nô lệ ở Hy Lạp cổ đại (tranh minh họa)
4. Sự kế thừa thành tựu văn minh phương Đông
– Địa hình Hy Lạp và La Mã mang tính “mở” nên có điều kiện giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh phương Đông cổ đại cũng như lan toả giá trị của mình đến nhiều vùng quanh Địa Trung Hải.
– Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cũng như các kĩ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp.
II. Thành tựu văn minh tiêu biểu
1. Chữ viết
– Người Hy Lạp cổ đại dựa trên chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỉ IV TCN.
– Về sau, người La Mã tiếp thu chữ cái Hy Lạp tạo thành chữ La-tinh, ban đầu gồm 20 chữ cái, sau hoàn thiện thành hệ thống 26 mẫu tự La-tinh.
– Họ cũng dùng chữ cái để tạo ra chữ số La Mã, còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Bảng chữ số La Mã
2. Văn học
a. Thần thoại
– Thần thoại là một kho tàng phong phú các câu chuyện về các vị thần, giải thích sự hình thành của vũ trụ, cuộc đấu tranh trong thế giới muôn loài. Các thần đều có gia phả, mang hình hài và có đời sống tình cảm như con người.
b. Thơ ca và văn xuôi
– Thơ ca và văn xuôi lấy kho tàng thần thoại làm chất liệu.
– Hai tập sử thi ra đời sớm nhất là I-li-át và Ô-đi-xê của Hô-me. Nhà văn Ê-dốp nổi tiếng về truyện ngụ ngôn.
c. Kịch
– Kịch phát triển mạnh trên cả hai thể loại bi kịch (triết lí về số phận con người) và hài kịch (châm biếm, phê phán trong đời sống), thường biểu diễn tại các nhà hát ngoài trời.
3. Nghệ thuật
a. Kiến trúc
– Hy Lạp: đền Pác-tê-nông, đền thờ thần Dớt, lăng mộ vua Mô-sô-lớt,…
– La Mã: đấu trường Cô-li-dê, đền Pan-tê-ông, Khải hoàn môn Công-xtan-ti-nút,…
Đấu trường Cô-li-dê (La Mã)
b. Điêu khắc
– Tác phẩm tiêu biểu: tượng thần Vệ nữ thành Mi-lô, tượng Lực sĩ ném đĩa, tượng Thần Dớt, các bức phù điều,…
– Thể hiện khát vọng vươn tới sự hoàn hảo trong vẻ đẹp hình thể của con người, đạt được tính chuẩn xác trong tạo hình.
4. Khoa học, kĩ thuật
a. Khoa học tự nhiên
– Toán học và Vật lí: Ta-lét, Pi-ta-go, Ơ-clít, Ác-si-mét,..
– Y học: Hi-pô-crát được mệnh danh là “cha đẻ của y học phương Tây” đã đề ra phương pháp chữa bệnh bằng thuốc và giải phẫu.
b. Thiên văn học
– Từ thế kỉ III TCN, A-ri-xtác đã nêu lên thuyết Nhật tâm.
– Ê-ra-tô-xten đã tính được chu vi của Trái Đất với sai số rất nhỏ.
– Người Hy Lạp biết làm ra lịch, sau đó người La Mã kế thừa, phát triển thành bộ lịch Giu-li-an. Đến thời trung đại, bộ lịch này được hoàn chỉnh thành Công lịch (Tây lịch), sử dụng cho đến ngày nay.
c. Sử học
– Hy Lạp: Lịch sử cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư (Hê-rô-đốt), Lịch sử cuộc chiến tranh Pê-lô-pô-nê-dơ (Tuy-xi-đít),…
– La Mã: Pô-li-bi-út, Ti-tut Li-vi-út,…
d. Kĩ thuật
– Người Hy Lạp và La Mã cổ đại có nhiều ứng dụng kĩ thuật vào thực tiễn cuộc sống như sử dụng đòn bẩy, máy bắn đá, máy bơm nước, chế tạo bê tông,..
Mô hình máy bắn đá của người Hy Lạp cổ
5. Triết học
– Hy Lạp là “quê hương của triết học phương Tây” với nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau nhưng chủ yếu xoay quanh hai trường phái duy vật và duy tâm.
– Các triết gia duy vật đồng thời là những nhà khoa học: Ta-lét, Hê-ra-clit, Êm-pê-đô-clét,…
– Các triết gia Lê-cíp-pớt, Đê-mô-crít, Ê-pi-kiu-rớt đã hình thành thuyết Nguyên tử.
-Trường phái duy tâm với các đại diện tiêu biểu: Xô-crát, Pla-tôn, A-rít-xtốt,…
6. Tín ngưỡng, tôn giáo
– Tín ngưỡng đa thần, thờ cúng các vị thần.
– Thế kỉ I, Cơ đốc giáo ra đời ở Pa-le-xtin, một thuộc địa của La Mã. Đến thế kỉ IV, các hoàng đế La Mã công nhận Cơ đốc giáo là quốc giáo của đế quốc La Mã, đưa đời sống tín ngưỡng của người La Mã bước sang thời kì mới.
7. Thể thao
– Từ thế kỉ VIII TCN, người Hy Lạp đã tổ chức các cuộc thi đấu thể thao bốn năm một lần tại Ô-lim-pi-a, gọi là Thế vận hội Ô-lim-pic nhằm tôn vinh các vị thần.
– Các môn thi đấu gồm: đấu vật, thi chạy, đua ngựa và đua xe ngựa,…
– Người chiến thắng được vinh danh và nhận vòng nguyệt quế.
Biểu tượng của Thế vận hội Ô-lim-pic
IV. Ý nghĩa của văn minh Hy Lạp – La Mã:
– Nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại được tạo dựng từ sức sáng tạo phi thường của cư dân Địa Trung Hải trên cơ sở tiếp biến những giá trị tiêu biểu của văn minh phương Đông.
– Những thành tựu văn minh Hy Lạp – La Mã có tính hiện thực cao, mang tính nhân bản, là cơ sở của văn hoá châu Âu về sau. Nhiều di sản của nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 8: Văn minh Ân Độ cổ – trung đại
Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại
Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 10: Văn minh tây âu thời phục hưng
Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 11: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại
Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại