Giải bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 4 Bài 4: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Khởi động (trang 19)
Câu hỏi trang 19 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Trung du và miền núi Bắc Bộ nổi tiếng về những ruộng bậc thang “treo” trên các sườn núi, những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu và nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á. Nếu được đi du lịch đến vùng này, em mong muốn được chiêm ngưỡng cảnh vật và nét văn hoá nào nơi đây?
Lời giải:
– Nếu được đi du lịch đến vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, em mong muốn được chiêm ngưỡng: sự hùng vĩ của núi rừng và trải nghiệm văn hóa chợ phiên cùng các lễ hội độc đáo của người dân nơi đây.
Khám phá (trang 19, 20, 21, 22)
Câu hỏi trang 19 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
• Kể tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
•Nêu tên những tỉnh có mật độ dân số dưới 100 người/km2 và từ 100 đến 500 người/km2
Lời giải:
– Yêu cầu số 1: Một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao,…
– Yêu cầu số 2:
+ Những tỉnh có mật độ dân số dưới 100 người/km2 là: lai Châu; Điện Biên; Sơn La; Cao Bằng; Bắc Kạn; Lạng Sơn.
+ Những tỉnh có mật độ dân số từ 100 đến 500 người/km2 là: Hà Giang; Lào Cai; Yên Bái; Tuyên Quang; Thái Nguyên; Bắc Giang; Quảng Ninh; Phú Thọ; Hòa Bình.
Câu hỏi trang 20 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy cho biết:
• Ruộng bậc thang thường được làm ở đâu? Người dân làm ruộng bậc thang như thế nào?
• Người dân thường trồng cây gì trên ruộng bậc thang?
Lời giải:
• Yêu cầu số 1:
– Ruộng bậc thang thường được làm ở những nơi có địa hình dốc.
– Cách làm ruộng bậc thang của người dân vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:
+ Người dân chọn các sườn núi hoặc sườn đồi có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá;
+ Sau đó, họ san thành các mặt bằng ruộng nối tiếp nhau như bậc thang và làm bờ để giữ nước, chặn đất khỏi bị xói mòn.
• Yêu cầu số 2: Người dân thường trồng cây lúa trên ruộng bậc thang.
Câu hỏi trang 21 Lịch sử và Địa lí lớp 4: • Đọc thông tin, em hãy nêu cách khai thác sức nước để sản xuất điện.
• Em hãy tìm và chỉ hai nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La trên hình 1 bài 3.
Lời giải:
• Yêu cầu số 1: Cách khai thác nước để sản xuất điện là: nhà nước đã cùng nhân dân đắp đập, ngăn sông tạo thành hồ lớn và dùng sức nước chảy từ trên cao xuống để chạy tua-bin sản xuất điện.
• Yêu cầu số 2: Xác định vị trí của nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La
Câu hỏi trang 22 Lịch sử và Địa lí lớp 4: • Em hãy tìm và chỉ vị trí các mỏ: than đá, sắt, đồng, thiếc, a-pa-tit (apatit) trên hình 1 bài 3.
• Đọc thông tin, em hãy cho biết khai thác khoáng sản ở mỏ lộ thiên khác với khai thác khoáng sản trong hầm lò như thế nào.
Lời giải:
• Yêu cầu số 1: Học sinh tự xác định vị trí của các mỏ khoáng sản
• Yêu cầu số 2: Điểm khác biệt:
– Khai thác khoáng sản lộ thiên: chỉ cần bóc đi lớp đất, đá bên trên là lấy được khoáng sản.
– Khai thác khoáng sản trong hầm mỏ:
+ Phải đào các hầm sâu xuống lòng đất mới có thể lấy được khoáng sản.
+ Công việc khai thác khoáng sản trong hầm lò rất vất vả và nguy hiểm.
Câu hỏi trang 22 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát các hình 5, 6, 7, em hãy mô tả một số nét văn hoá của các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Lời giải:
– Chợ phiên vùng cao:
+ Chợ phiên vùng cao thường họp vào những ngày nhất định. Vào ngày này, chợ thường rất đông vui.
+ Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, giao lưu văn hoá của người dân.
+ Ngoài ra, chợ phiên cũng là nơi lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc về ẩm thực, trang phục,…
– Lễ hội Lồng Tồng:
+ Còn được gọi là lễ hội xuống đồng của các dân tộc Tày, Nùng,…
+ Lễ hội này được tổ chức vào đầu mùa xuân, để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
+ Hoạt động chính của lễ hội là: nghi lễ xuống đồng, với sự tham gia thực hiện nghi thức cày đường cày đầu tiên, thi cấy,….
+ Trong lễ hội có các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập trống,…
– Nghệ thuật múa xòe Thái
+ Xòe Thái là loại hình múa truyền thống, đặc sắc, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái.
+ Xòe Thái có rất nhiều điệu, trong đó xòe vòng là phổ biến nhất. Xoè vòng có tính giao lưu cộng đồng cao nên không hạn chế số người tham gia. Các vòng xoè thường được xác định “tâm xoè” bởi một hũ rượu cần hoặc một đống lửa,….
+ Năm 2021, Tổ chức UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giải Lịch Sử và Địa Lí lớp 4 trang 24
Luyện tập (trang 24)
Luyện tập 1 trang 24 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Trình bày đặc điểm phân bố dân cư ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Nêu một số nguyên nhân của sự phân bố đó.
Lời giải:
– Đặc điểm phân bố dân cư:
+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi dân cư thưa thớt.
+ Phân bố dân cư có sự khác nhau giữa miền núi và trung du: ở những vùng cao, dân cư thưa hơn vùng thấp và các đô thị.
– Nguyên nhân:
+ Ở những vùng núi cao: địa hình bị cắt xẻ mạnh, khí hậu khắc nghiệt, không thuận lợi cho hoạt động sản xuất và cư trú, nên dân cư thưa thớt.
+ Ở khu vực trung du và đô thị: địa hình, khí hậu thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất và cư trú nên dân cư tập trung đông đúc.
Luyện tập 2 trang 24 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Tại sao ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lại phát triển các hoạt động sản xuất như: làm ruộng bậc thang, xây dựng các công trình thuỷ điện, khai thác khoáng sản?
Lời giải:
– Giải thích:
+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có địa hình dốc, gây khó khăn cho việc canh tác, nhất là trồng lúa nước. Người dân nơi đây đã khắc phục bằng cách làm ruộng bậc thang.
+ Nhờ đặc điểm sông dốc, nhiều nước,… vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình thủy điện.
+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi có nhiều loại khoáng sản nhất Việt Nam, nên hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực này rất phát triển.
Luyện tập 3 trang 24 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Em ấn tượng điều gì về chợ phiên vùng cao, lễ hội Lồng Tồng và Xòe Thái ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?
Lời giải:
– Điều em ấn tượng về chợ phiên vùng cao: chợ phiên là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục,… của đồng bào các dân tộc ở khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
– Điều em ấn tượng về lễ hội Lồng Tồng: trong lễ hội có các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập trống,…
– Điều em ấn tượng về nghệ thuật xòe Thái: xòe Thái có nhiều điệu, trong đó xòe vòng là phổ biến nhất. Các vòng xòe thường được xác định “tâm xòe” bởi một hũ rượu cần hoặc một đống lửa.
Vận dụng (trang 24)
Vận dụng trang 24 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây:
Nhiệm vụ 1. Bạn Hoa và bạn Minh đang tranh luận về ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình thuỷ điện đối với đời sống và sản xuất. Bạn Hoa nói: “Đắp đập ngăn sông để làm thuỷ điện đem lại nhiều lợi ích cho đời sống và sản xuất”. Bạn Minh nói: “Tớ lại nghĩ, làm thuỷ điện không chỉ mang lại lợi ích mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh”. Em đồng ý với ý kiến của bạn nào? Hãy nêu ví dụ để bảo vệ ý kiến của mình.
Nhiệm vụ 2. Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Lời giải:
(*) Lựa chọn: thực hiện nhiệm vụ 2
(*) Tham khảo: giới thiệu về Lễ hội Gầu Tào
– Tên lễ hội: Lễ hội Gầu Tào
– Thời gian:tổ chức vào đầu năm mới.
– Hoạt động chính:tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, đánh cù, múa khèn, múa ô, thổi sáo, thi hát đối giao duyên,…
– Ý nghĩa:cúng tạ trời đất, cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử & Địa lí lớp 4 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 3: Thiên nhiên vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Bài 4: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Bài 5: Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương
Bài 6: Thiên nhiên vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Bài 7: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ