Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo
Đề bài: Để tạo nên thành công của một tác phẩm truyện, việc tác giả chọn được điểm nhìn độc đáo về đối tượng miêu tả, thể hiện giữ vai trò rất quan trọng. Hãy chọn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo.
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo – Mẫu 1
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn mãi. Vì thế, đề tài hậu chiến không còn xa lạ trong nền văn học Việt Nam. Là một nhà văn quân đội, tác giả Sương Nguyệt Minh đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, sắc nét về đề tài này qua truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy được sự tìm tòi và sáng tạo của nhà văn về hình thức tổ chức điểm nhìn, người kể chuyện độc đáo.
Trước hết, tác giả đã đa dạng hóa, di chuyển điểm nhìn linh hoạt. Sương Nguyệt Minh mượn quan điểm, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Tuy nhiên, đôi lúc, ông lại dịch chuyển điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong (nhân vật Mai) và ngược lại. Nhờ đó, độc giả dễ dàng nhìn rõ cuộc đời và con người các nhân vật từ những góc độ, cự li khác nhau.
Lựa chọn nhiều điểm nhìn để kể đã giúp cho câu chuyện trở nên khách quan hơn. Qua lời kể của Mai, cuộc đời của dì Mây được tái hiện sâu sắc. Dì Mây là nữ y tá Trường Sơn. Ngày mà dì trở về cũng là ngày người yêu cô – chú San đi lấy vợ. Mặc dù vẫn còn yêu chú San nhưng dì Mây nhất quyết cự tuyệt đoạn tình cảm này. Hành động “bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân” bỏ mặc chú San ở lại đã thể hiện sự dứt khoát của dì Mây. Dì Mây nhận thiệt thòi về mình để chú San được hạnh phúc. Đêm đến “dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. […] Dì ngồi như tượng”. Thật ra, dì Mây đang cố gắng buông tay để vun vén cho đôi vợ chồng mới. Những ngày sau đó, dì Mây vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm cũ với chú San. Mai cảm nhận rất rõ tâm trạng của dì Mây trong khoảng thời gian ấy “dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi cắm cơm”.
Qua lời kể của Mai, người đọc còn cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của dì Mây. Trước tiên, dì Mây là người phụ nữ có tấm lòng chung thủy. Suốt một thời gian dài ở chiến trường, dì luôn nhớ mong chú San “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào cũng viết tên anh”. Có lẽ, trong trái tim dì Mây chỉ có một người đó là chú San. Từ chiến trường trở về, dì Mây bị mất một chân do mảnh đạt phạt vào. Nhưng vượt lên trên khó khăn, dì luôn giúp đỡ mọi người. Những đêm mưa, dì Mây không quản khó khăn, tận tình đến nhà khám bệnh cho mọi người. Hơn nữa, dì còn sẵn sàng giúp vợ chú San vượt cạn. Ở trong hoàn cảnh đó, thật khó cho dì nhưng dì vẫn ân cần giúp đỡ. Đặc biệt, khi thím Ba mất, dì đã dành tất cả yêu thương để nhận nuôi thằng Cún như con đẻ của mình.
Bằng những điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận chân thực cuộc đời của dì Mây. Qua đó, khơi gợi cho người đọc sự cảm thông, trân trọng với số phận con người thời hậu chiến. Trong tác phẩm, đôi khi, tác giả sẽ trực tiếp là người dẫn chuyện chứ không phải là nhân vật Mai. Điều này giúp cho câu chuyện được kể rất linh hoạt, tự nhiên. Bước ra khỏi chiến tranh, hậu quả để lại cho con người không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận rõ nỗi đau khổ, bất hạnh của con người. Từ ấy, gửi gắm bài học về lòng biết ơn đến các thế hệ đi trước đã dũng cảm hi sinh bảo vệ Tổ quốc.