Trắc nghiệm Địa Lí 11 Bài 21: Kinh tế Liên Bang Nga
Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 11 Bài 21: Kinh tế Liên Bang Nga
Câu 1. Nhận định nào sau đây đúng với Liên bang Nga sau khi Liên bang Xô Viết tan rã?
A. Nền kinh tế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
B. Đưa Liên bang Xô Viết trở thành cường quốc mạnh.
C. Đời sống người dân được cải thiện, kinh tế phát triển.
D. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều ngành mới.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Trước năm 1991, Liên bang Nga là một thành viên và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng Liên Xô trở thành một cường quốc. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Liên bang Nga trải qua thời kì khó khăn trong phát triển kinh tế, đời sống, văn hóa. Nền kinh tế của quốc gia này thật sự phát triển và đạt được thành tựu lớn từ năm 1999 đến nay.
Câu 2. Ngành công nghiệp truyền thống của Liên bang Nga là
A. điện tử, tin học.
B. hàng không vũ trụ.
C. luyện kim.
D. nguyên tử.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Cơ cấu công nghiệp của Liên bang Nga đa dạng, gồm các ngành truyền thống (khai thác dầu khí, luyện kim, khai khoáng, đóng tàu, sản xuất gỗ,…) và các ngành công nghiệp hiện đại (điện tử – tin học, hàng không, công nghiệp vũ trụ, nguyên tử, công nghiệp quốc phòng,…).
Câu 3. Ngành công nghiệp hiện đại của Liên bang Nga là
A. hàng không.
B. khai khoáng.
C. đóng tàu.
D. sản xuất gỗ.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Cơ cấu công nghiệp của Liên bang Nga đa dạng, gồm các ngành truyền thống (khai thác dầu khí, luyện kim, khai khoáng, đóng tàu, sản xuất gỗ,…) và các ngành công nghiệp hiện đại (điện tử – tin học, hàng không, công nghiệp vũ trụ, nguyên tử, công nghiệp quốc phòng,…).
Câu 4. Đặc điểm nào sau đây không đúng với nền kinh tế Liên bang Nga?
A. Kinh tế đối ngoại là ngành khá quan trọng.
B. Các hoạt động dịch vụ đang phát triển mạnh.
C. Sản lượng nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới.
D. Công nghiệp khai thác dầu khí là ngành mũi nhọn.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Đặc điểm các ngành kinh tế của Liên bang Nga là
– Công nghiệp: là ngành xương sống giữa vai trò quan trọng của Liên bang Nga, trong đó công nghiệp khai thác dầu khí là ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
– Nông nghiệp có điều kiện phát triển thuận lợi (quỹ đất lớn), sản lượng một số cây công nghiệp, ăn quả, rau, chăn nuôi, nghề cá,… nhìn chung đều có sự tăng trưởng.
– Dịch vụ: kinh tế đối ngoại là ngành khá quan trọng trong nền kinh tế, tổng kim ngạch ngoại thương liên tục tăng, Nga là nước xuất siêu và các hoạt động dịch vụ phát triển mạnh.
Câu 5. Loại hình vận tải nào sau đây có vai trò quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Xi-bia?
A. Hàng không.
B. Đường sắt.
C. Đường sông.
D. Đường biển.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Loại hình vận tải có vai trò quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Xi-bia là đường sắt (chủ yếu là vận chuyển khoáng sản).
Câu 6. Cho bảng số liệu
GDP CỦA LIÊN BANG NGA QUA CÁC NĂM (Đơn vị: tỉ USD)
Năm |
1991 |
1995 |
2000 |
2004 |
2010 |
2014 |
GDP |
475,5 |
363,9 |
259,7 |
582,4 |
1 524,9 |
1 860,6 |
(Nguồn niên giám thống kê Việt Nam 2014, NXB Thống kê,2015)
Căn cứ vào bảng số liệu, cho biết nhận xét nào sau đây là chính xác về GDP của Liên bang Nga ?
A. Tăng đến năm 2000 sau đó giảm nhanh.
B. Giảm đến năm 2000 sau đó tăng liên tục.
C. Tăng liên tục.
D. Giảm liên tục.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Qua bảng số liệu, rút ra những nhận xét sau:
– GDP của Liên bang Nga tăng (1385,1 tỉ USD) nhưng không ổn định.
– Giai đoạn 1991 – 2000 GDP của Liên bang Nga giảm liên tục và giảm 215,8 tỉ USD.
– Giai đoạn 2000 – 2014 GDP của Liên bang Nga tăng liên tục và tăng 1600,9 tỉ USD.
Như vậy, các ý A, C và D không đúng; Ý B là đúng nhất.
Câu 7. Nhận định nào sau đây đúng với tình hình phát triển kinh tế của Liên bang Nga?
A. Liên bang Nga có quy mô GDP khá nhỏ.
B. Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định.
C. Chú trọng các ngành dùng nhiều lao động.
D. Có xu hướng giảm tỉ trọng ngành dịch vụ.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Liên bang Nga có quy mô GDP khá lớn, năm 2020 đạt khoảng 1,5 nghìn tỉ USD (chiếm khoảng 1,7% GDP toàn cầu). Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ (năm 2020, ngành dịch vụ tăng chiếm 56,1%, ngành công nghiệp có xu hướng giảm, đạt 29,9%, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4%) và các ngành có hàm lượng khoa học – kĩ thuật cao.
Câu 8. Ngành công nghiệp truyền thống của Liên bang Nga là
A. điện lực.
B. thực phẩm.
C. đóng tàu.
D. luyện kim.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Công nghiệp đóng tàu là ngành truyền thống, Liên bang Nga đóng được nhiều loại tàu khác nhau như: tàu ngầm, tàu sân bay, tàu phá băng nguyên tử,… Trung tâm đóng tàu lớn nhất là Vla-đi-vô-xtốc.
Câu 9. Vùng kinh tế nào sau đây của Liên bang Nga giàu tài nguyên, công nghiệp phát triển nhưng nông nghiệp còn hạn chế?
A. Vùng Trung tâm.
B. Vùng U-ran.
C. Vùng Trung ương.
D. Vùng Viễn Đông.
Hướng dẫn giải
Chọn B
U-ran là vùng có địa hình núi cao nhưng lại rất giàu có về tài nguyên khoáng sản, tiêu biểu như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, sắt,… Vì vậy, đây là vùng giàu có về tài nguyên thiên nhiên để phát triển các ngành công nghiệp nhưng lại không thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp.
Câu 10. Từ lâu, Liên bang Nga đã được coi là cường quốc về
A. khai thác dầu khí.
B. hàng không vũ trụ.
C. công nghiệp may.
D. công nghiệp cơ khí.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Liên bang Nga là cường quốc thế giới về hàng không vũ trụ. Quốc gia này có nhiều tên lửa phóng lên quỹ đạo từ chính sân bay vũ trụ ở lãnh thổ đất nước. Liên bang Nga có nhiều viện nghiên cứu khoa học, văn phòng thiết kế và nhà máy chế tạo, đạt được nhiều thành tựu trong công nghệ thực hiện chương trình tàu vũ trụ có người lái.
Câu 11. Mặt hàng xuất khẩu nào sau đây chiếm tỉ lệ cao nhất của Liên bang Nga?
A. Nguyên liệu, năng lượng.
B. Lương thực và thủy sản.
C. Máy móc, hàng tiêu dùng.
D. Nhiên liệu và khoáng sản.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Kinh tế đối ngoại là ngành khá quan trọng trong nền kinh tế Liên bang Nga. Tổng kim ngạch ngoại thương liên tục tăng và Liên bang Nga đã là nước xuất siêu (120 tỉ USD – năm 2005). Trong các mặt hàng xuất khẩu thì nguyên liệu (thực phẩm, gỗ,…) và năng lượng (dầu mỏ, khí tự nhiên,…) chiếm tỉ lệ cao, hơn 60% giá trị xuất khẩu.
Câu 12. Các ngành công nghiệp nào sau đây có điều kiện tài nguyên thuận lợi để phát triển ở phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga?
A. Chế biến gỗ, khai thác, năng lượng, luyện kim.
B. Chế biến gỗ, khai thác, luyện kim, dệt, hóa chất.
C. Chế biến gỗ, khai thác, thực phẩm, hóa chất.
D. Chế biến gỗ, khai thác, chế tạo máy, hóa chất.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Các ngành công nghiệp có điều kiện tài nguyên thuận lợi để phát triển ở phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga là ngành công nghiệp chế biến gỗ, khai thác, năng lượng, luyện kim và hóa chất.
Câu 13. Các ngành công nghiệp khai thác, sơ chế tập trung chủ yếu ở
A. miền tây.
B. miền đông.
C. miền bắc.
D. miền nam.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Phân bố công nghiệp của Liên bang Nga có sự khác nhau rõ rệt giữa các vùng: các ngành khai thác, sơ chế tập trung ở miền Đông; các ngành công nghệ cao tập trung ở miền Tây. Phần lớn các trung tâm công nghiệp tập trung ở đồng bằng Đông Âu, Tây Xi-bia, ven bờ Thái Bình Dương,…
Câu 14. Các ngành công nghiệp công nghệ cao tập trung chủ yếu ở
A. miền tây.
B. miền đông.
C. miền bắc.
D. miền nam.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Phân bố công nghiệp của Liên bang Nga có sự khác nhau rõ rệt giữa các vùng: các ngành khai thác, sơ chế tập trung ở miền Đông; các ngành công nghệ cao tập trung ở miền Tây. Phần lớn các trung tâm công nghiệp tập trung ở đồng bằng Đông Âu, Tây Xi-bia, ven bờ Thái Bình Dương,…
Câu 15. Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga đã chính thức được thiết lập vào năm nào sau đây?
A. 1945.
B. 1950.
C. 1965.
D. 1995.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Quan hệ Việt – Xô đã chính thức được thiết lập vào 30 tháng 1 năm 1950, khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết mở đại sứ quán tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phần 2. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 21: Kinh tế Liên Bang Nga
I. Tình hình phát triển kinh tế
– Quy mô GDP khá lớn, năm 2020 đạt khoảng 1,5 nghìn tỉ USD (chiếm khoảng 1,7% GDP toàn cầu).
– Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định.
– Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ và các ngành có hàm lượng khoa học – kĩ thuật cao.
II. Các ngành kinh tế
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
– Có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Liên bang Nga:
+ Góp phần khai thác hiệu quả các tài nguyên đất, nước, khí hậu…. của đất nước;
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và thế giới;
+ Góp phần bảo vệ môi trường,…
– Năm 2020, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đóng góp 4,0% GDP và thu hút khoảng 6% lực lượng lao động.
a) Nông nghiệp
– Đầu tư, áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất… để mang lại hiệu quả cao.
– Sản xuất nông nghiệp phát triển ở đồng bằng Đông Âu, phía đông nam….
– Trồng trọt:
+ Chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp.
+ Các cây trồng chính là cây lương thực (lúa mì, ngô, khoai tây,…), cây công nghiệp (củ cải đường, thuốc lá, hướng dương,…) và cây ăn quả.
+ Đồng bằng Đông Âu là vùng trồng trọt chính của nước Nga.
– Chăn nuôi: khá phát triển, các vật nuôi chủ yếu là lợn, bò, cừu và một số vật nuôi đặc trưng xứ lạnh như hươu, tuần lộc.
b) Lâm nghiệp
– Năm 2020, Liên bang Nga có diện tích rừng lớn nhất thế giới, khoảng 815 triệu ha, chiếm gần 50% diện tích lãnh thổ.
– Ngành khai thác và chế biến lâm sản hằng năm đem lại nguồn thu đáng kể.
+ Năm 2020, sản lượng gỗ tròn khai thác đạt 217,0 triệu m3, đứng thứ tư trên thế giới.
+ Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Liên bang Nga.
c) Thuỷ sản
– Ngành khai thác thủy sản:
+ Có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, như: giáp nhiều biển và đại dương, nhiều hệ thống sông, hồ lớn….
+ Năm 2020, sản lượng thuỷ sản khai thác của Liên bang Nga chiếm 6,1% tổng sản lượng thuỷ sản khai thác toàn thế giới và trở thành nước xuất khẩu thuỷ sản lớn.
+ Tập trung chủ yếu ở ngư trường Viễn Đông, ngư trường phía Nam và vùng biển Caxpi,….
– Ngành nuôi trồng thuỷ sản: có sản lượng ngày càng tăng nhưng tỉ trọng còn nhỏ trong tổng sản lượng thuỷ sản.
– Một số sản phẩm thuỷ sản có sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao ở Liên bang Nga là: cá hồi, cá thu, cá trích, cá tuyết,…
2. Công nghiệp
♦ Tình hình phát triển:
– Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Liên bang Nga. Năm 2020, công nghiệp và xây dựng chiếm 30% GDP và thu hút khoảng 27% lực lượng lao động.
– Cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng, các ngành công nghiệp chính là: năng lượng chế tạo, luyện kim…
– Sự phân bố các ngành công nghiệp thể hiện sự chuyên môn hóa:
+ Các ngành khai thác, sơ chế phân bố ở miền Đông;
+ Miền Tây tập trung các ngành chế biến và các ngành công nghệ cao.
+ Các trung tâm công nghiệp lớn tập trung ở: đồng bằng Đông Âu, U-ran, Tây Xi-bia và dọc các đường giao thông quan trọng.
♦ Một số ngành công nghiệp chính
– Công nghiệp năng lượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Liên bang Nga.
+ Năm 2020, Liên bang Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới. Ngành này tập trung chủ yếu ở vùng U-ran và Tây Xi-bia.
+ Liên bang Nga đứng thứ năm trên thế giới về sản lượng khai thác than, chiếm 5,2% sản lượng than toàn cầu. Các mỏ than có sản lượng khai thác cao nhất tập trung ở Xi-bia và Viễn Đông.
+ Công nghiệp sản xuất điện có cơ cấu ngành đa dạng dựa trên nguồn nguyên liệu dồi dào, bao gồm: thuỷ điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, năng lượng tái tạo khác…. Sản lượng điện ngày càng tăng, chiếm khoảng 4% sản lượng điện toàn thế giới (năm 2020) và đứng thứ tư thế giới. Các nhà máy nhiệt điện lớn phân bố ở vùng Trung ương, U-ran và Tây Xi-bia.
– Công nghiệp chế tạo:
+ Là động lực phát triển của nền kinh tế Nga.
+ Một số sản phẩm quan trọng như: tàu vũ trụ, tên lửa, máy bay, tàu ngầm, tàu phá băng, ô tô, động cơ, máy công cụ, máy kéo….
– Công nghiệp luyện kim: có lịch sử lâu đời; trong đó, sản xuất thép là lĩnh vực quan trọng nhất. Sản lượng thép liên tục tăng, chiếm 3,8% sản lượng thép toàn thế giới (năm 2020), phân bố ở các vùng Tây Xi-bia, U-ran và Trung ương.
3. Dịch vụ
– Ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Liên bang Nga, chiếm 56,3% trong GDP và thu hút 67,3% lực lượng lao động (năm 2020).
– Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng theo hướng hiện đại hoá.
– Các trung tâm dịch vụ lớn như: Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua… đồng thời là các đô thị lớn.
– Một số ngành dịch vụ nổi bật của Liên bang Nga là thương mại, giao thông vận tải du lịch và tài chính ngân hàng.
a) Thương mại
– Nội thương phát triển
+ Hàng hóa trên thị trường phong phú, chất lượng sản phẩm tăng;
+ Giá trị buôn bán, trao đổi ngày càng lớn;
+ Hệ thống bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp với nhiều hình thức…
– Ngoại thương:
+ Là một trong những nước xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn trên thế giới và luôn xuất siêu.
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: dầu mỏ, khi tự nhiên, kim loại, hóa chất, thực phẩm và gỗ…. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: máy móc và thiết bị, ô tô, rau quả, hàng dệt may…
+ Các đối tác thương mại chính của Liên bang Nga là: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, một số nước Đông Nam Á,…
b) Giao thông vận tải
– Mạng lưới giao thông phát triển, với đầy đủ các loại hình giao thông, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa trong nước cũng như giữa nước Nga và các nước trên thế giới. Mát-xcơ-va là đầu mối giao thông vận tải lớn nhất cả nước.
+ Là một trong những nước có mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới với hơn 87000 km. Hệ thống tàu điện ngầm của Liên bang Nga rất phát triển, nhất là ở Mát-xcơ-va.
+ Đường bộ có tổng chiều dài trên 1 triệu km, với nhiều hệ thống đường cao tốc liên bang, phát triển ở khu vực phía tây.
+ Đường sông có tổng chiều dài trên 100 nghìn km với mạng lưới kênh đào nối lưu vực các sông lớn, chủ yếu trên phần nước Nga thuộc châu Âu, nhất là trên sông Von-ga.
+ Giao thông vận tải đường biển khá phát triển, các cảng lớn và quan trọng gồm: Xanh Pê-téc-bua, Vla-đi vô-xtốc, Ma-ga-đan,…
+ Đường ống được phát triển rất mạnh. Tổng chiều dài đường ống lớn thứ hai thế giới để vận chuyển dầu mỏ và khí tự nhiên không chỉ trong lãnh thổ mà còn đi đến các nước khác, nhất là các nước châu Âu…
+ Đường hàng không cũng phát triển. Năm 2020, Liên bang Nga có trên 1200 sân bay, nhiều sân bay lớn như: She-re-met-ye-vô, Pun-cô-vô, Khơ-ra-brô-vô, Đô-mô-đê đô vô,…
c) Du lịch
– Tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, độc đáo, giàu bản sắc với nhiều di sản tự nhiên và văn hóa thế giới, tạo điều kiện cho Liên bang Nga trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
– Năm 2019, Liên bang Nga đón 24,6 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu đạt 11 tỉ USD.
– Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua là các trung tâm du lịch lớn nhất của nước Nga.
– Các địa điểm du lịch nổi tiếng như: hồ Bai-can, nhà thờ chính tòa Thánh Ba-sin, Cung điện Crem-lin,…
d) Tài chính ngân hàng
– Tài chính ngân hàng của Liên bang Nga phát triển đa dạng với nhiều hoạt động như thị trường trái phiếu, chứng khoán, tín dụng… thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
– Các trung tâm tài chính quan trọng là: Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua,..
III. Một số vùng kinh tế
♦ Liên bang Nga có 12 vùng kinh tế. Mỗi vùng có nguồn lực phát triển, các ngành kinh tế trọng điểm,… khác nhau.
♦ Các vùng kinh tế quan trọng của Liên bang Nga là: vùng Trung ương, vùng Trung tâm đất đen, vùng U-ran và vùng Viễn Đông.
– Vùng Trung ương:
+ Diện tích: 482,3 nghìn km2.
+ Nằm ở trung tâm phần châu Âu của Liên bang Nga.
+ Là vùng kinh tế lâu đời, phát triển nhất. Các ngành công nghiệp chủ yếu là dệt may, hóa chất và chế tạo máy.
+ Các thành phố lớn: Mát-xcơ-va, Xmô-len, Tu-la,…
– Trung tâm đất đen:
+ Diện tích: 167 nghìn km2.
+ Là vùng tập trung dải đất đen phì nhiêu, nguồn nước dồi dào. Hoạt động kinh tế chính là nông nghiệp và các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
+ Các thành phố lớn: Vô-rô-ne-giơ, Bê-gô-rốt,…
– Vùng U-ran:
+ Diện tích: 832,3 nghìn km2.
+ Rất giàu khoáng sản như than đá, sắt, kim cương, vàng, đồng. Các ngành công nghiệp phát triển là khai thác khoáng sản, luyện kim, cơ khí, hóa chất, chế biến gỗ. Nông nghiệp còn hạn chế.
+ Các thành phố lớn: Ê-ca-tê-rin-bua, Ma-nhi-tơ-gioóc….
– Vùng Viễn Đông:
+ Diện tích: 6900 nghìn km2.
+ Giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là than và rừng. Các hoạt động kinh tế chính là khai thác khoáng sản, khai thác gỗ, đóng tàu, cơ khí, khai thác và chế biến thuỷ sản.
+ Các thành phố lớn: Vla đi vô-xtốc, Kha-ba-rốp,….
Video bài giảng Địa lí 11 Bài 21: Kinh tế Liên Bang Nga – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 20: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga
Trắc nghiệm Bài 21: Kinh tế Liên Bang Nga
Trắc nghiệm Bài 23: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Nhật Bản
Trắc nghiệm Bài 24: Kinh tế Nhật Bản
Trắc nghiệm Bài 26: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Trung Quốc