Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện hay nhất
*Trong khi đọc
Câu 1 trang 39 Ngữ văn 11 Tập 1: Giới thiệu tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích.
Trả lời:
– Giới thiệu tác phẩm: Đời thừa là một truyện ngắn nổi bật của Nam Cao trong mảng đề tài về người trí thức. Tác phẩm đánh giá sự chín muồi trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và thường được xem như một tuyên ngôn của Nam Cao về văn học.
– Phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích là giá trị về mặt tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật tự sự của tác phẩm Đời thừa.
Câu 2 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Mô tả và đánh giá cách Nam Cao tạo truyện kể.
Trả lời:
– Đời thừa có cấu trúc của truyện ngắn điển hình. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau với sự kiện trung tâm là trận say rượu của nhà văn Hộ. Truyện cũng không được thuật lại theo trình tự thời gian. Mở đầu bằng dòng hồi tưởng của Hộ rồi quay lại cảnh hiện tại. Đây là một cách phá vỡ trật tự sự kiện điển hình trong văn chương.
– Đánh giá: Cách tạo truyện kể của Nam Cao khá độc đáo và tinh tế. Từ lối truyện ngắn truyền thống, ông thay đổi trật tự của câu chuyện, kể chuyện theo dòng hồi tưởng của nhân vật Hộ đan xen với những chi tiết hiện tại đã làm nổi bật nên niềm say mê lớn nhất của nhân vật đó là đọc sách. Để từ đó giúp người đọc hiểu được con người tài hoa ấy, khi bị hoàn cảnh vùi dập đã tha hóa, khổ đau như thế nào.
Câu 3 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể và điểm nhìn).
Trả lời:
– Ngôi kể: truyện sử dụng ngôi kể thứ ba
– Điểm nhìn trần thuật: điểm nhìn từ bên trong, gắn với ý thức của nhân vật. Hình thức trần thuật hướng nội này phù hợp với việc khắc họa nhân vật có nội tâm và tư tưởng như Hộ.
Câu 4 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.
Trả lời:
– Trong tác phẩm, nhân vật Hộ vốn là người có tư tưởng, hoài bão văn chương lớn lao của mình. Nhưng chính vì dòng đời, vì lẽ sống kiếm tiền nuôi vợ con của mình, anh phải bán đứng lý tưởng văn chương của mình và từ đó dẫn đến sự tha hóa về nhân cách trong con người anh. Một con người với nội tâm phức tạp, khó hiểu như vậy nhờ vào việc sử dụng ngôi thứ ba sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được diễn biến tâm lí của nhân vật. Từ hồi tưởng về quá khứ, nghĩ về những năm tháng hoàng kim của đời mình, rồi đến hiện thực tàn khốc rồi hiểu ra chính mình trong cơn say… tất cả làm nổi bật nên nội tâm của một người đang bị giằng xé khi phải lựa chọn trước lý tưởng văn chương thanh cao của bản thân và nỗi lo về cơm ăn, áo mặc trong cuộc sống.
– Kết hợp với việc lựa chọn điểm nhìn bên trong, gắn với ý thức của từng nhân vật đã giúp cho việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của tác giả được rõ ràng. Một người luôn mang trong mình hoài bão lớn, lý tưởng lớn về văn chương nhưng chịu đựng nỗi lo về cơm áo gạo tiền mà trở lên tha hóa về nhân cách, làm khổ vợ con. Nội tâm anh luôn đấu tranh mạnh mẽ về điều này. Khi say rượu, anh thú nhận với Tứ nhưng Tứ không trách anh mà ngược lại nhận lỗi về mình bởi cô nghĩ rằng bởi nỗi lo toan về cuộc sống đã biến một con người tài hoa, vốn yêu văn chương bằng cả mạng sống trở thành một tên nát rượu, đánh đập vợ con. Cô thương cho người chồng bị cái khổ vùi dập mà không nỡ trách anh, chỉ dám nhận lỗi về mình. Đến đây, tác giả đã thành công sử dụng điểm nhìn bên trong để soi chiếu từng nhân vật cùng cách trần thuật hướng nội đã góp phần làm rõ được tính cách của hai nhân vật, một người nhận ra được lỗi lầm của mình và một người với lòng vị tha sâu sắc. Đó chính là tình cảm, sự cảm thông của những con người nghèo khổ với nhau.
Câu 5 trang 42 Ngữ văn 11 Tập 1: Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn.
Trả lời:
Người kể chuyện được coi là hóa thân của Nam Cao trong câu chuyện Đời thừa. Bởi trong truyện, bên cạnh việc đồng cảm với hoàn cảnh, sự ăn năn hối lỗi của Hộ người kể chuyện cũng đanh thép, nghiêm khắc thể hiện qua cách xưng hô với nhân vật này về sự lầm tưởng của anh ta. Anh ta thực ra không tài giỏi như anh ta nghĩ, anh nghĩ rằng mình đang cưu mang Tứ nhưng thực chất là đang dày vò cô. Anh tâm tâm niệm niệm về ý nghĩa văn chương của mình nhưng lại xa rời với hiện thực của cuộc sống, và đó là sai lầm của anh. Tác giả hay chính người kể chuyện mỉa mai, nên án sự ngộ nhận trong cuộc đấu tranh nội tâm của Hộ và chỉ ra sai lầm trong nhận thức của anh từ đó để anh thấy được lỗi lầm của mình.
Câu 6 trang 43 Ngữ văn 11 Tập 1: Đánh giá giá trị của tác phẩm.
Trả lời:
Tác phẩm Đời thừa của Nam Cao vừa nhân đạo và vừa có giá trị phê phán sâu sắc. Một mặt ông đồng cảm với những người tự nhìn nhận được lỗi lầm của mình. Nhưng mặt khác, ông phê phán những người trí thức đánh mất chính mình vì hoàn cảnh. Đồng thời, ông cũng phê phán gay gắt cái xã hội mục nát, đẩy con người vào tình thế éo le, nơi mà mọi thứ đều bị đổ lỗi cho hoàn cảnh, và ở đó, lí tưởng, khát vọng lớn của con người bị hy sinh, tha hóa bởi những thứ nhỏ nhặt trong đời sống. Nam Cao thể hiện đúng bản chất của mình như Nguyễn Minh Châu nói “tấm lòng thương đời nhất” và “con mắt nhìn đời ác nhất”.
*Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 43 Ngữ văn 11 Tập 1: Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa có những phương diện đáng chú ý nào?
Trả lời:
Nghệ thuật tự sự của Nam Cao được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng trong đó đáng chú ý nhất là về điểm nhìn và lối trần thuật của tác giả. Với điểm nhìn từ bên trong, soi chiếu rõ nội tâm nhân vật kết hợp với lối trần thuật hướng nội giúp tác giả thể hiện tốt nhất nội tâm đang đấu tranh, giằng xé để nhận ra lỗi lầm của nhân vật Hộ. Anh yêu văn chương, sống với lý tưởng thanh cao nhưng nằm trên nỗi lo về mưu sinh, kiếm sống, anh không thể theo đuổi nó một cách trọn vẹn mà phải rẽ hướng rồi bị tha hóa. Quá trình biến đổi, rồi cả những dòng hồi tưởng về quá khứ hoàng kim đều được tác giả khắc họa một cách rõ nét nhất dưới góc nhìn của nhân vật và đánh giá của tác giả. Sự nhất quán giữa điểm nhìn và lối trần thuật giúp lời văn của tác giả trở nên chân thực, giá trị biểu cảm và ý nghĩa truyền tải được rõ nét hơn. Đây cũng là một điểm quan trọng góp phần làm nên thành công lớn của tác phẩm.
Câu 2 trang 43 Ngữ văn 11 Tập 1: Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự nào?
Trả lời:
Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đi theo trình tự diễn biến tâm lý của nhân vật. Toàn bộ câu chuyện là diễn ra từ ngày hôm trước đến sáng hôm sau với trận say rượu của nhà văn Hộ là trung tâm. Tác giả men theo tâm lý của nhân vật để đưa ra một trình tự truyện hết sức hợp lý. Mở đầu truyện là dòng hồi tưởng của văn Hộ về những ngày tháng hoàng kim, khi mà anh vẫn có thời gian, tâm trí để đọc sách, viết bài mà không bị trói buộc – những ngày tháng anh được sống đúng với đam mê, sở thích của chính mình. Rồi sau đó tác giả quay về với hiện tại, một hiện thực tàn khốc khi Hộ cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc sống và tìm đến rượu. Anh chán ngán những ngày tháng viết bài để kiếm sống, từ chối sự dễ dãi của xã hội đối với những bài viết của anh, căm hận bản thân vì đã đánh mất lý tưởng văn chương ban đầu để chạy theo nỗi lo về cơm áo, gạo tiền. Để từ đó, anh nhận ra lỗi lầm của bản thân, bày tỏ với Tứ. Trình tự sắp xếp sự kiện như vậy là hết sức hợp lý, phù hợp với tâm lý của từng nhân vật trong truyện.
Câu 3 trang 43 Ngữ văn 11 Tập 1: Bạn có thể học hỏi được điều gì từ cách phân tích các phương diện của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa? Điều gì ở bài viết chưa làm bạn thỏa mãn?
Trả lời:
– Điều em có thể học hỏi được từ phương diện nghệ thuật tự sự trong Đời thừa là cách lựa chọn ngôi kể, cách đặt điểm nhìn và đưa ra được lối trần thuật hợp lý. Yếu tố làm nên thành công của tác phẩm nằm ở chỗ người viết có giúp người đọc hiểu được ý đồ của mình hay không bởi vậy, việc tạo một cốt truyện hợp lí, câu từ phù hợp với nhân vật, hoàn cảnh là hết sức cần thiết cho một bài viết hay.
– Bài viết trên chưa làm em thỏa mãn ở chỗ chưa nói ký về ý nghĩa của kết truyện. Tác giả mới chỉ dừng ở việc đưa ra thông tin mà chưa phân tích được ý đồ nghệ thuật của tác giả bởi đây vốn là một cái kết mở, một cái kết ngổn ngang. Người đọc chắc hẳn sẽ cảm thấy tò mò về sự kiện tiếp theo có thể diễn ra. Vậy nên việc nói sâu vào kết của câu chuyện cũng là hợp lí.
*Thực hành viết
Chọn một tác phẩm truyện để lại cho bạn nhiều ấn tượng về cách kể chuyện.
Bài viết tham khảo
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là một trong những tác phẩm chân thực nhất, ấn tượng nhất mà em từng đọc. Truyện không chỉ thu hút người đọc bởi tính phản ánh chân thực hiện thực của xã hội mà nó còn hấp dẫn ở lối tự sự đầy sáng tạo, hấp dẫn của tác giả khi miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Chí Phèo.
Cách kể chuyện ở đây không chỉ đơn thuần là cách kể về diễn biến của câu chuyện về những sự kiện, sự việc diễn ra trong đó. Ở đây, Nam Cao đã vận dụng cách kể chuyện độc đáo không chỉ trong các sự kiện mà còn trong cả diễn biến tâm lí của nhân vật, đặc biệt là diễn biến tâm lí của nhân vật Chí Phèo – từ sự biến đổi sau khi đi tù về cho đến quá trình hoàn lương trở thành người lương thiện.
Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã sử dụng cách kể chuyện độc đáo của mình để miêu tả một Chí Phèo say rượu, vừa đi vừa chửi. Điểm độc đáo ở đây là trong lời chửi, không chỉ là lời miêu tả của tác giả mà trong đó, có cả lời của chính nhân vật – những lời độc thoại nội tâm. Cách sử dụng những lời độc thoại nội tâm như vậy giúp người đọc có thể dễ dàng lắm bắt được diễn biến tâm lý nhân vật và thể hiện sự khai thác sự kiện trên cái nhìn đa chiều của tác giả. Tiếp đến, ông kể về Chí Phèo, là một đứa trẻ mồ côi lương thiện, bị bá kiến cho đi tù và ra tù, hắn trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Hắn trở thành một kẻ chuyên làm nghề rạch mặt, ăn vạ, ngày ngày say khướt và trở thành tay sai của bá kiến.
Đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện độc đáo của Nam Cao phải kể đến ở chỗ khi ông phân tích quá trình hoàn lương của Chí Phèo. Hắn gặp Thị Nở – người đàn bà xấu xí cho hắn biết cảm giác thế nào là tình yêu, là niềm hạnh phúc. Tỉnh dậy sau đến gặp thị Nở, nhận thức của Chí Phèo dần thay đổi. Hắn đã hết say và lắng nghe thấy những thanh âm trong trẻo của cuộc sống mà trước đây hắn chưa từng nghe thấy. Hắn thấy vui rồi lại buồn, rồi lại nghĩ về tương lai, mơ ước về cuộc sống hạnh phúc, giản dị và bình yên. Chí Phèo đang cảm thấy hạnh phúc, chìm đắm trong tình yêu và sự quan tâm của thị Nở. Sau khi nghe lời khuyên của bà cô, thị quay ra đòi chia tay hắn, Chí Phèo muốn níu kéo niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này nhưng hắn nhận ra, hắn chẳng có gì để níu kéo. Hắn muốn tìm lại kẻ đầu sỏ, kẻ khiến hắn trở lên như vậy – bá kiến. Đến đây, Nam Cao đã lột tả hết tài năng miêu tả diễn biến tâm lý của mình, ông khoan dung với số phận của hắn, tin tưởng vào sự lương thiện của con người khi miêu tả niềm vui, sự hạnh phúc nhen nhóm của Chí Phèo.
Bởi vậy, sức hấp dẫn của Chí Phèo không chỉ nằm ở cốt truyện giản dị, thật tâm về người nông dân, nông thôn Việt Nam trong những năm chiến tranh, mà nó còn nằm ở sự độc đáo trong cách kể chuyện, miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật một cách chỉn chu, đa dạng trên nhiều phương diện khác nhau để soi chiếu được rõ nhất tâm lí của mỗi nhân vật.
Vì vậy, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao xứng đáng là một trong những tác phẩm hay nhất, kinh điển nhất về nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của một nhà văn luôn phản ánh cuộc sống đời thực của những người bất hạnh trong xã hội. Nhưng qua đó, ông cũng khẳng định sự lương thiện luôn ẩn chứa trong họ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Video bài giảng Văn 11 Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Thực hành tiếng Việt trang 36
Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện
Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện
Củng cố, mở rộng trang 48
Thực hành đọc: Cải ơi!