Tác giả tác phẩm: Tôi đi học – Ngữ văn 8
I. Tác giả Thanh Tịnh
– Thanh Tịnh (1911-1988), tên khai sinh là Trần Văn Ninh sau đổi thành Trần Thanh Tịnh.
– Quê ở Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế.
– Là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ.
– Sáng tác của ông toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.
II. Tìm hiểu tác phẩm Tôi đi học
1. Thể loại
Tôi đi học thuộc thể loại truyện ngắn.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– Văn bản Tôi đi học là truyện ngắn xuất sắc của Thanh Tịnh, in trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941.
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Tôi đi học có phương thức biểu đạt là tự sự, miêu tả, biểu cảm. PTBĐ chính là tự sự.
4. Người kể chuyện
Văn bản Tôi đi học được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện xưng tôi.
5. Tóm tắt văn bản Tôi đi học
Hằng năm cứ vào cuối thu, khung cảnh thiên nhiên lại làm cho tác giả nhớ đến những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học. Nhân vật tôi được mẹ đưa đến trường trong lòng tràn ngập cảm giác mới lạ: Hôm nay tôi đi. Cậu tự nhiên thấy muốn tự mình cầm bút thước, thấy những trò quậy phá rong ruổi với đám bạn đã xa tít tắt. Khi tới trường, quan sát những học sinh cậu thấy họ như những con chim non còn bỡ ngỡ trong những cử chỉ hành động gần như trở nên thừa thãi. Khi thầy Đốc trường Mĩ Lí điểm danh cho học sinh xếp hàng vào lớp, ai cũng hồi hộp, lo âu, không biết phải làm gì nhưng sau câu nói của thầy mọi chuyện đều ổn. Lớp học bắt đầu với dòng chữ đầu tiên thầy viết lên bảng đó là bài tập viết: Tôi đi học!
6. Bố cục bài Tôi đi học
Tôi đi học có bố cục gồm 3 phần:
– Phần 1: Từ đầu → ngang trên ngọn núi: Tâm trạng của nhân vật “tôi” trên đường tới trường.
– Phần 2: Tiếp → được nghỉ cả ngày: Cảm nhận của nhân vật “tôi” lúc ở sân trường.
– Phần 3: Còn lại: Cảm nhận của nhân vật “tôi” trong lớp học lần đầu tiên.
7. Giá trị nội dung
– Truyện Tôi đi học kể lại kỷ niệm trong sáng của tuổi học trò trong ngày tựu trường đầu tiên hết sức chân thực, tinh tế qua dòng hồi ức của nhà văn.
8. Giá trị nghệ thuật
– Bố cục theo dòng hồi tưởng, cảm nghĩ của nhân vật tôi theo trình tự thời gian buổi tựu trường.
– Đan xen yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm.
– Nghệ thuật so sánh tạo hiệu quả diễn đạt cao, kết hợp các từ láy, tính từ, động từ giàu hình ảnh và sinh động.
– Ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, giàu chất thơ, nhẹ nhàng phù hợp với tâm trạng ngây thơ, rụt rè của những đứa trẻ trong buổi tựu trường đầu tiên.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Tôi đi học
1. Cảm nhận của “tôi” trên con đường cùng mẹ tới trường
a. Hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc
– Thời gian: Cuối thu…
– Quang cảnh:
+ Lá rụng nhiều, những đám mây bàng bạc.
+ Mấy em nhỏ rụt rè cùng mẹ tới trường.
– Tâm trạng: náo nức, mơn man, tưng bừng, rộn rã → Từ láy: tăng giá trị biểu cảm, diễn tả cảm xúc đầy trong sáng của nhân vật tôi.
b. Cảm nhận của nhân vật tôi
– Cảnh vật, con đường rất quen nhưng lần này tự nhiên thấy lạ
– Tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng, thấy mình như lớn hơn, nhận thức nghiêm túc hơn.
– Cảm thấy trang trọng đứng đắn hơn trong bộ quần áo mới: ghì chặt sách vở, tự mình cầm bút, thước
→ Từ ngữ gợi tả, lời văn đậm chất thơ, hình ảnh so sánh thơ mộng
→ Tâm trạng háo hức, hăm hở của “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên.
2. Cảm nhận của nhân vật “tôi” khi ở sân trường
a. Khi đứng giữa sân trường
– Sân trường: dày đặc những người, quần áo cũng sạch sẽ, gương mặt vui tươi sáng sủa … → gợi không khí vui vẻ, ngôi trường trang nghiêm.
– Cảm giác: lo sợ vẩn vơ, bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, thầm mong được như những người học trò cũ”.
→ Ngại ngùng, bẽn lẽn, lo sợ của trẻ thơ trước một thế giới rộng lớn – thế giới của tri thức.
b. Khi xếp hàng vào lớp
– Tim như ngừng đập, giật mình lúng túng, hồi hộp, lo sợ đứng nép bên mẹ.
– Cảm thấy chơ vơ, lo sợ khi sắp rời bàn tay mẹ → nức nở khóc.
→ Từng cung bậc cảm xúc, với nhiều trạng thái đối lập: cảm xúc hồn nhiên, trong sáng, rất đáng nhớ đáng yêu của tuổi thơ.
3. Cảm nhận của nhân vật “tôi” khi ngồi trong lớp học
– Trong lớp:
+ Có mùi hương lạ
+ Cái gì cũng lạ và hay
+ Nhận bàn ghế là vật riêng
+ Thấy quyến luyến với bạn mới.
– Ngoài cửa sổ: Chim liệng, hót, bay…kỉ niệm lại ùa về.
→ Cảm giác trong sáng, đáng nhớ, đáng trân trọng: vừa xa lạ, vừa gần gũi, vừa ngỡ ngàng, vừa tự tin
→ Dấu hiệu sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm
* Cảm nhận về thái độ của người lớn
– Phụ huynh: chuẩn bị ân cần, chu đáo, lo lắng, hồi hộp cùng các em.
– Thầy giáo: vui vẻ, đầy tình yêu thương
– Ông đốc: từ tốn, bao dung
→ Thể hiện rõ trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ, đồng thời tạo môi trường giáo dục thân thiện, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em.
Video bài giảng Văn 8 Tôi đi học – Cánh diều