Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 6: Tiểu thuyết và truyện ngắn
I. Bài tập đọc hiểu
-
Kiêu binh nổi loạn (Trích Hoàng Lê nhất thống chí)
-
Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái thuộc thể loại nào sau đây?
A. Tiểu thuyết lịch sử
B. Tiểu thuyết chương hồi
C. Kí sự lịch sử
D. Truyện ngắn
Dựa vào đâu em biết được điều đó?
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Tiểu thuyết chương hồi
Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Nhân vật trong đoạn trích Kiêu binh nổi loạn thuộc về mấy phe đối địch?
A.1
B.2
C. 3
D.4
Trả lời:
Chọn đáp án: B. 2
Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nguyên nhân dẫn đến việc binh lính nổi dậy chống lại Quận Huy?
A. Nhà chúa bỏ con cả, lập con út
B. Quận Huy vốn có ý phản nghịch
C. Chúa Trịnh Sâm yêu quý, say mê thứ phi Đặng Thị Huệ
D. Thứ phi hãm hại thế tử để cướp ngôi
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Nhà chúa bỏ con cả, lập con út
Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Phần (1) ghi lại lời của nhân vật Bằng Vũ như sau:
– Chỉ sợ anh em không cùng một bụng thôi. Chứ nếu ba quân động lòng, thì bất quá chỉ thừa dịp cúng cơm sáng xong, đánh một hồi trống trong phủ làm hiệu rồi kéo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!
Lời nói này tiêu biểu cho tính chất nào của cả đám kiêu binh?
A. Kỉ luật
B. Khinh nhờn
C. Manh động
D. Táo bạo
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Manh động
Câu 5 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Những chi tiết sau đây tập trung thể hiện rõ nhất điều gì?
– Họ bèn dùng câu liêm móc cổ Quận Huy xuống, rồi đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ.
– Em ruột Quận Huy là Lý Vũ hầu Hoàng Lương […] bị quân lính quát đứng lại, rồi họ vớ luôn gạch đá trên đường đập cho vỡ đầu và vứt xác xuống hồ Thuỷ Quân.
– Chỉ trong chốc lát, nhà cửa của Quận Huy bị phá tan tành, một mảnh ngói cũng không còn.
– Phàm các quan văn võ hễ ai thuộc bè đảng của Thị Huệ và Quận Huy, cùng những người dự vào việc tố giác vụ án năm Canh Tí, những viên quan hầu mọi ngày có tính nghiệt ngã mà quân lính vẫn ghét, lúc ấy cũng đều bị phá nhà hàng loạt và bị lùng bắt đem giết chết.
A. Sức mạnh tàn bạo, mù quáng của kiêu binh
B. Triều đại phong kiến lâu đời rơi vào tình trạng hỗn loạn, suy sụp
C. Trịnh Cán bị kiêu binh phế truất
D. Trịnh Tông bất lực trước đám kiêu binh
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Sức mạnh tàn bạo, mù quáng của kiêu binh
Câu 6 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Qua miêu tả, so sánh cảnh chúa đăng quang với việc “giỡn quả cầu”, “rước pho tượng Phật”, các tác giả thể hiện thái độ gì đối với Trịnh Tông?
A. Châm biếm kín đáo
B. Phỉ báng công khai
C. Phê phán kịch liệt
D. Tôn kính, trân trọng
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Châm biếm kín đáo
Câu 7 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Những chi tiết, hình ảnh nào cho thấy sự bất lực và thất bại của phe cánh Quận Huy?
Trả lời:
– Những chi tiết, hình ảnh cho thấy Quận Huy và các đại thần bị động, lúng túng, không đề phòng, thiếu mưu lược đối phó: qua cuộc đối thoại giữa Quận Huy với các quan ở trong triều cho thấy Quận Huy biết tai hoạ sắp xảy ra nhưng không lường hết mức độ của tai hoạ, chủ quan, liều chết: đã biết trước (“Ngày mai có biến… ”), ở thái độ liều chết (“Nhưng tôi chết cũng có dăm ba mạng đi theo”); chủ quan, khinh xuất gạt ngoài tai lời khuyên “đi trốn”, “bắt bọn gian”, chủ động “tự vệ” của người nhà; đêm ấy, Quận Huy ngủ trong phủ “không hề phòng bị gì hết”; các quan không nắm được tình hình, hoàn toàn bị động (“nhìn nhau ngơ ngác”).
– Khi lâm vào tình thế tai hoạ, bị kiêu binh bao vây, uy hiếp thì Quận Châu “run sợ, phải mở cửa”; Quận Huy viết tờ khải, tỏ thái độ trung thành và tinh thần “liều chết” (“Nếu dẹp được…, nhược bằng không dẹp được, tôi cũng xin liều chết.. ) cưỡi voi thị oai trước đám lính nhưng nhanh chóng rơi vào tình thế bi đát, bị cô lập, bất lực, cùng đường (sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không nổ,…); cuối cùng “bị giết chết ngay tại chỗ”; em Quận Huy là Lý Vũ hầu cũng bị quân lính đánh chết.
Các chi tiết, hình ảnh diễn tá sự bế tắc, cùng đường, trơ trọi và thất bại thảm hại của phe cánh Quận Huy.
Câu 8 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Hãy dẫn ra một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật trong văn bản. Theo em, quan điểm và thái độ của người kể chuyện có khách quan và đáng tin cậy không? Vì sao?
Trả lời:
Một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật:
– Thế tử có người đầu bếp tên là Dự Vũ, vốn là người cơ trí, nói năng rành mạch.
– Thọ người làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cũng là kẻ tinh khôn.
– Bằng Vũ được người làng thuê đi lính thay. Gã người thấp bé, thanh nhã như học trò. Sau khi vào đội Tiệp bảo, nhờ biết dăm ba chữ, gã được làm chán biện lại. Ở kinh, gã thường làm mướn đơn kiện cho người ta, vẫn lừng tiếng là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị.
– Đêm ấy, Quận Huy ngủ ở trong phủ, cũng chỉ đem theo vài người hầu như mọi ngày, không hề phòng bị gì hết.
Thái độ mỉa mai kín đáo của người kể chuyện thể hiện rõ nhất khi miêu tả việc kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi chúa: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem mặt chúa, sân phủ đông như họp chợ.”
Thái độ mỉa mai kín đáo thể hiện ngầm qua các so sánh. Lễ đăng quang ngôi chúa đáng lẽ phải trang nghiêm nhưng qua cách miêu tả của tác giả thì không phải vậy.
Quan điểm, thái độ của người kể chuyện là khách quan và đáng tin cậy vì người kể chuyện không trực tiếp dự phần vào cuộc chính biến, không dính líu về mặt tình cảm hay có quyền lợi chính trị liên quan đến các phe phái xung đột; không tỏ rõ thái độ bênh vực ai, có thành kiến với ai hay ủng hộ phe phái nào; các nhận xét, bình luận của người kể chuyện về nhân vật và sự việc là có cơ sở thực tế; người kể chuyện đóng vai trò như người quan sát từ bên ngoài, bình tĩnh, chừng mực và kín đáo trong cách nhận xét, miêu tả, tường thuật sự kiện và nhân vật.
Câu 9 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:(Câu hỏi 6, SGK) Người xưa từng nói về năm nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham những tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt.”. Sau khi đọc đoạn trích Kiêu bình nổi loạn, em suy nghĩ gì về ý kiến này?
Trả lời:
Suy nghĩ về ý kiến của người xưa:
1) Trẻ không kính già, trò không kính thầy: Người trẻ phải hiếu kính với người già, đó là đạo hiếu. Học trò phải tôn trọng thầy, cô. Đó là đạo học. Giữ đạo hiếu, đạo học là giữ vững luân thường. Làm trái hai điều trên là xã hội vô đạo, có nguy cơ hỗn loạn.
2) Binh kiêu, tướng thoái: Quân lính cậy công trạng dẫn đến kiêu căng, làm nhiều điều trái phép; tướng lĩnh suy thoái về đạo đức và bản lĩnh, trốn tránh nhiệm vụ, chỉ biết lo thân, không đủ uy tín, uy quyền để sai khiến binh lính. Hậu quả là quân đội hỗn loạn, mất sức mạnh chiến đấu bảo vệ chế độ, đất nước.
3) Tham nhũng tràn lan: Quan chức tham lam vơ vét của công làm của riêng, viên lại (viên chức) nhũng nhiễu vòi vĩnh, quấy rầy, gây phiền hà nhân dân để trục lợi. Hiện tượng này nếu tràn lan, mất kiểm soát sẽ dẫn đến việc nhân dân mất niềm tin với quan chức và hệ thống chính quyền sẽ trở thành thế lực đối lập với nhân dân, bị nhân dân căm ghét.
4) Sĩ phu ngoảnh mặt: Sĩ phu là tầng lớp trí thức trong xã hội xưa, có kiến thức, hiểu biết; có năng lực phân tích, phản biện nhằm ngăn chặn, điều chỉnh các chính sách sai lầm, đề xuất các chính sách ích nước lợi dân. Khi tầng lớp này chán nản, thờ ơ đối với công việc quốc gia thì đất nước có nguy cơ lầm đường, lạc lối trong đối nội và đối ngoại, khó tránh suy tàn, sụp đổ.
Ý kiến của người xưa là sự tổng kết các kinh nghiệm trị nước hàng ngàn năm,
hoàn toàn đúng đắn. Loạn kiêu binh trong Kiêu binh nổi loạn vừa là một hiện tượng nhãn tiền vừa là hệ quả của các nguy cơ mà người xưa đã tổng kết.
Câu 10 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Quang Trung đại phá quân Thanh
Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc.
Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng
chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không để tên nào trốn thoát. Bởi vậy, không hề có ai chạy về báo tin, nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi đều không biết gì cả.
Nửa đêm ngày mồng Ba tháng Giêng, năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung
tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nãy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.
Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng
lính khoẻ mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn, hai mươi người
khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”; vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng Năm tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả: Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống
phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam tối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh
lại tự làm hại mình.
Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên
trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh.
Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.
Trước đó, vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo
lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía đông. Đến lúc ấy, quân Thanh chạy về trông thấy, càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực, làng Quỳnh Đô, quân Tây Sơn lùa voi giày đạp, chết đến hàng vạn người.
Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành.”
(Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2006)
a) Đoạn trích ghi lại hai chiến thắng lớn nào của quân Tây Sơn?
b) Những chi tiết nào cho thấy sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh?
c) Hình ảnh nào miêu tả vua Quang Trung oai phong trong chiến trận?
d) Theo em, vua Quang Trung là người chỉ huy như thế nào?
Trả lời:
a) Đoạn trích trên ghi lại chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi của quân Tây Sơn.
b) Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh ở Hà Hồi: “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết”; sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh ở Ngọc Hồi: “… bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.”.
c) Hình ảnh cho thấy vua Quang Trung oai phong trong chiến trận: “vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc”.
d) Theo em, vua Quang Trung là người chỉ huy dũng lược, có tài cầm quân như thần.
-
Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)
-
Câu 1 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Dì Mây, chú San, cô Thanh, Mai, thím Ba, chú Quang là tên các nhân vật trong truyện. Hãy xếp các nhân vật vào bảng dưới đây cho phù hợp:
Nhân vật chính
Nhân vật phụ
Trả lời:
Nhân vật chính
Nhân vật phụ
Dì Mây, chú San
Các nhân vật còn lại
Câu 2 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ.”. Đối với nhân vật dì Mây và chú San, tình huống này là:
A. Bình thường
B. Rắc rối
C. May mắn
D. Trớ trêu
Trả lời:
Chọn đáp án: D. Trớ trêu
Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đối mặt với tình huống chú San đi lấy vợ, tâm trạng của dì Mây như thế nào?
A. Bồn chồn, bứt rứt
B. Ngỡ ngàng, thảng thốt
C. Tươi vui, rạng rỡ
D. Tức tưởi, đau khổ
Trả lời:
Chọn đáp án: D. Tức tưởi, đau khổ
Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đọc đoạn sau đây, nhận xét thái độ và hành động của nhân vật dì Mây:
“Không!”. Tiếng dì Mây phá vỡ khoảng không gian im lặng. Dì bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân. Chú San chạy theo níu áo đì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”. Chú San ngập ngừng định nói điều gì. Dì Mây ngăn lại: “Anh đừng lo cho tôi.”.
Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn.”.
A. Dứt khoát, bản lĩnh, nhân hậu
B. Liều lĩnh, kiêu căng, bất cần
C. Nóng nảy, bực tức, nông nổi
D. Uất ức, tức tưởi, dùng dằng
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Dứt khoát, bản lĩnh, nhân hậu
Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Các chi tiết dưới đây thể hiện điều gì?
– Mẹ hái lá bưởi mang ra bến sông Châu. Mẹ và dì gội đầu cho nhau.
– Lúc về mẹ dặn: “Mai. Chịu khó học hành rồi đỡ đần ông cho dì vui. Đừng có nhảy cẫng đi chơi, bỏ dì ngồi một mình. ”.
– Mẹ lại bảo: “Dì ra đây là phải. Ở nhà nhìn sang bên kia hàng râm bụt thấy người ta như đôi chim cu, đến tôi cũng nẫu ruột. ”.
A. Mai thiếu sự quan tâm, chăm sóc dì Mây
B. Chú San thờ ơ, lạnh lùng với dì Mây
C. Tình cảm gần gũi, thắm thiết giữa dì và cháu
D. Tình cảm yêu thương sâu nặng của hai chị em gái
Trả lời:
Chọn đáp án: D. Tình cảm yêu thương sâu nặng của hai chị em gái
Câu 6 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đọc đoạn sau đây và cho biết, vì sao dì Mây khóc?
– Ở trong, dì Mây gục luôn xuống bàn đỡ đẻ, khóc tức tưởi. “Ơ cái con này! ” Thím Ba ngạc nhiên. Dì Mây càng khóc to hơn. Tiếng khóc của đì hoà lẫn tiếng oe oe của đứaa bé. Nghe xót xa, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn. Chú San vào, bối rồi. Thím Ba bảo: “Tôi hiểu ra rồi. Cứ đề con Mây nó khóc. Xúm vào đưa vợ về phòng sau đẻ.”.
A. Mệt mỏi, căng thẳng
B. Mừng cháu bé ra đời
C. Thương thân, tủi phận
D. Thương xót đứa bé sinh khó
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Thương thân, tủi phận
Câu 7 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi l, SGK) Xác định sự kiện chính của mỗi phần trong văn bản Người ở bến sông Châu. Theo em, cách xây dựng cốt truyện của tác giả có gì đặc sắc?
Trả lời:
Xác định sự kiện chính:
Văn bản được chia làm bốn phần, thể hiện nét hiện thực khác biệt, độc đáo của thời kì chống Mỹ cứu nước. Đó là sự tham dự, chiến đấu và hi sinh của người phụ nữ trong và sau chiến tranh.
Phần (1): kể chuyện dì Mây về làng đúng ngày chú San – người yêu cũ – cưới vợ cũng như tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của dì Mây, chú San và những người thân trong gia đình.
Phần (2): kể chuyện dì Mây ra sống ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp người cha chèo đò đưa khách qua sông; tâm trạng buồn tủi của dì Mây, sự quan tâm và tình cảm của mẹ và Mai đối với dì Mây.
Phần (3): kể chuyện dì Mây trở lại với nghề y tá, làm việc ở trạm xá xã; cô Thanh – vợ chú San đẻ khó, suýt chết, dì Mây đỡ đẻ, cứu sống cả hai mẹ con.
Phần (4): kể chuyện thím Ba chết vì vướng bom bi, dì Mây nhận nuôi thằng Cún – con thím Ba; dì Mây gặp lại chú Quang – người thương binh năm xưa nay về chỉ huy công binh xây cầu qua bến sông Châu; dì Mây từ chối tình cảm của chú Quang; hằng đêm, tiếng dì Mây ru thằng Cún lan xa, vang vọng trên bến sông Châu.
Nhận xét cách xây dựng cốt truyện:
Về việc xây dựng cốt truyện, tác giả đã tạo dựng được tình huống truyện đặc
sắc. Đó là tình huống éo le, rắc rối, khó đoán, bộc lộ rõ hoàn cảnh trớ trêu của các nhân vật mà trung tâm là nhân vật dì Mây – một phụ nữ, người nữ quân y từ chiến trường trở về đúng ngày người yêu đi lấy vợ. Từ tình huống trớ trêu, nan giải này, tác giả miêu tả thành công tâm trạng đau khổ của dì Mây, gợi lại quá khứ tình yêu của dì Mây và chú San, khiến nhân vật có chiều dày quá khứ; thể hiện được những biến chuyển, đổi thay về thể chất, tinh thần của dì Mây sau một thời gian về ở bến sông Châu; những hành động, lựa chọn, quyết định mà dì Mây đã thực hiện (ra ở bến sông Châu, phụ giúp cha chèo đò, làm y tá ở trạm xá xã, đỡ đẻ cứu mẹ con cô Thanh, nhận nuôi thằng Cún và từ chối tình cảm của chú Quang).
Các sự kiện tạo thành cốt truyện chủ yếu được sắp xếp theo trật tự thời gian, có xen kẽ một vài đoạn hồi tưởng vừa đủ để tạo sức gợi, cúng cấp những thông tin cần thiết về cuộc đời nhân vật (trước khi nhập ngũ, hoàn cảnh bị thương). Cốt truyện có sự vững chắc, kịch tính và các sự kiện chính được liên kết mạch lạc, dễ theo dõi.
Câu 8 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật dì Mây vào ngày “dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ”.
Trả lời:
– Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ: xúc động nghẹn ngào khi được trở về quê hương, gặp người cha ở bến sông (giọng nói: “nghèn nghẹn”; hành động: “nhào xuống đò”); tâm trạng ngổn ngang, tan nát khi thấy nhà chú San đang có đám cưới (“dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để bên nhà chú San.”); khi nói chuyện riêng với chú San: ban đầu, tâm trạng đau khổ, uất ức, (“Dì Mây nuốt nước mắt vào trong: “Bây giờ không còn gì để nói nữa. Anh về đi!””; “Dì chống nạng gỗ, lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ.”); tiếp đó, tâm trạng chuyển từ uất ức, tức tưởi đến thống trách (“Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt.”); tình cảm yêu thương sâu nặng bùng lên côn cào, da diết làm cho nhân vật như mê mị đi (“Dì Mây lặng đi, người rõ ra, mềm oặt. Dì từ từ khuỵu xuống. ”); kết thúc, dì Mây tỉnh táo, nhận rõ hoàn cảnh, quyết định dứt khoát, đầy bản lĩnh và nhân hậu (“Không!”. Tiếng dì Mây phá vỡ khoảng không gian im lặng. Dì bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân. Chú San chạy theo níu áo dì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”; “Anh đừng lo cho tôi.”. Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn.””)
Diễn biến tâm trạng, thái độ, hành động, quyết định của dì Mây trong tình huống này cho thấy nhân vật là người có tình cảm da diết, sâu nặng, có ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng và lòng nhân hậu sâu sắc.
Câu 9 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:(Câu hỏi 5, SGK) Câu chuyện diễn ra trong những không gian và thời gian nào? Tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh dòng sông, con đò, cây cấu xuất hiện trong truyện.
Trả lời:
Câu chuyện diễn ra ở hai không gian chính: không gian sinh hoạt gia đình (nhà ông ngoại và nhà chú San), không gian sông nước (bến sông, lều cỏ). Không gian nhà ông ngoại được tập trung thể hiện trong phần (1), ngày dì Mây về làng; không gian nhà chú San được đặc tả ở phần (3) gắn với việc sinh nở của cô Thanh. Không gian bến sông – lều cỏ chủ yếu nổi bật ở phần (2) và (4). Trong phần (4), không gian chiến trường cũng được gợi nhắc qua lời kể của công binh xây cầu.
Chuyện diễn ra trong thời gian: ngày đầu tiên dì Mây trở về sau chiến tranh;
những ngày tháng dì Mây sống ở bến sông Châu (chèo đò chở học sinh qua sông, làm y tá ở trạm xá, nuôi nấng thằng Cún). Thời gian tuyến tính được xen kẽ bởi những khoảng thời gian quá khứ được gợi lại qua các hồi ức, đối thoại (nhan sắc, tình yêu của dì Mây và chú San trước chiến tranh, tình huống dì Mây bị thương ngoài mặt trận vì che chắn cho thương binh Quang).
Tác giả miêu tả một số hình ảnh như dòng sông, con đò, cây cầu,… Những hình ảnh này có tính ẩn dụ, biểu tượng. Dòng sông gợi lên ý nghĩa về dòng đời bí ẩn, nhiều biến động, sóng gió (như tình yêu của dì Mây và chú San), nhiều hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ (như cuộc đời dì Mây, thím Ba, thằng Cún), sự đổi thay tâm trạng, sự hồi sinh (cảnh dì Mây gội đầu, tắm sông cho thấy những mất mát tuổi trẻ và sự hồi sinh của nhân vật); con đò là hình ảnh tượng trưng cho thân phận con người (dì Mây “lỡ đò”), cho sự chia li, sự chuyên chở, nâng đỡ (dì Mây chèo đò tiễn đưa chú San đi học nước ngoài; dì Mây hào phóng đưa học sinh qua sông, dì Mây đỡ đẻ cho cô Thanh); cây cầu với trụ cầu đổ, nhịp cầu gãy là hình ảnh tượng trưng cho chiến tranh phá hoại (trụ cầu đổ đứng trơ trọi, nhịp cầu bị bom đánh sập trơ ở bến sông); cho sự kiến thiết, xây dựng (bộ đội công binh về xây cầu); cho sự hàn gắn, kết nối, nghĩa tình (kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa tình giữa dì Mây và thắng Cún, dì Mây và chú Quang),…
Câu 10 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:(Câu hỏi 7, SGK) Theo em, vấn đề đặt ra trong truyện ngắn này là gì? Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống hôm nay?
Trả lời:
Truyện không chủ ý viết về chiến tranh, bom đạn; về những gian khổ, hi sinh của người nữ chiến sĩ ở chiến trường. Truyện tập trung kể về sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh phi thường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh giữa đời thường. Mây, người nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn, vốn đã chịu thương tật vì bom đạn, nay trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ, phải nhận thêm chấn thương tinh thần đau đớn, dai dẳng. Không muốn một người phụ nữ nữa (cô Thanh) phải chịu đau khổ như mình, dì Mây chấp nhận rời xa chú San, lặng lẽ sống nơi lều cỏ bên bến sông Châu. Người phụ nữ ấy không gục ngã vì hai lần đau đớn, vì sự trớ trêu của số phận. Bằng bản lĩnh, nghị lực phi thường, chị đã hoà nhập vào đời sống, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm mới, sống nghĩa tình, nhân hậu, yêu thương giữa cuộc đời.
Bản lĩnh và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây thật đáng ngưỡng mộ. Cuộc sống hôm nay, tuy không còn chiến tranh, bom đạn, nhưng nghị lực phi thường và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây có sức mạnh cổ vũ mọi người can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn trong cuộc sống, có ý chí vươn lên làm người tốt, sống có ích giữa cuộc đời.
-
Hồi trống cổ thành (Trích Tam quốc điễn nghĩa)
-
Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hồi trồng Cổ Thành tuy chỉ là một đoạn trích song vẫn có cốt truyện hoàn chỉnh đầy đủ 5 thành phần: Trình bày (Giới thiệu) – Thắt nút – Phát triển – Cao trào – Mở nút (Kết thúc). Đâu là sự việc cao trào trong cuộc gặp gỡ giữa Trương Phi và Quan Công?
A. Trương Phi múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
B. Trương Phi thẳng cánh đánh trống, Quan Công múa long đao xô lại phía Sái Dương.
C. Trương Phi mời hai chị vào thành.
D. Sái Dương cùng một toán quân mã kéo đến.
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Trương Phi thẳng cánh đánh trống, Quan Công múa long đao xô lại phía Sái Dương.
Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong câu văn: “Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”, tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì?
A. Ấn dụ
B. Hoán dụ
C. Nhân hoá
D. So sánh
Trả lời:
Chọn đáp án: D. So sánh
Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong đoạn văn: “Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc. Tôn Càn thấy lạ, nhưng không dám hỏi cũng phải theo ra thành. Quan Công trông thấy Trương Phi ra, mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón. Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”, tác giả sử dụng nhiều động từ chỉ hành động của Trương Phi gồm: nghe, nói, mặc, vác, dẫn, đi, vểnh, hò thét, múa, chạy, đâm.
Theo em, đâu không phải là hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng những động từ đó?
A. Khiến nhịp văn mạnh, gấp gáp.
B. Cho thấy tính cách ôn hoà của Quan Công.
C. Thể hiện tính cách cương trực, ngay thẳng của Trương Phi.
D. Cho thấy tính cách nóng nảy, hồ đồ của Trương Phi.
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Cho thấy tính cách ôn hoà của Quan Công.
Câu 4 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nối lời kết tội Quan Công của Trương Phi ở cột A với nội dung kết tội Quan Công ở cột B cho phù hợp.
Lời kết tội
Nội dung kết tội
1) Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa
a) Bất trung: phản bội lại vua, không còn là bề tôi trung thành nữa.
2) Nó lại đây là để bắt ta đó.
b) Bất nghĩa: phản bội lời thể của ba anh em là sống chết có nhau.
3) Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ.
c) Bất nhân: xem nhau như kẻ thù.
Trả lời:
1)- b); 2)- c); 3) – a).
Câu 5 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Nối lời đối đáp với nội dung, thái độ của Quan Công cho phù hợp.
Lời đáp của Quan Công
Nội dung, thái độ
1) -Ta làm sao mà bội nghĩa?
a) Than vấn, gợi tình thương.
2) – Chuyện này e không biết, ta cũng khó nói.
b) Chuyện tế nhị, phức tạp, khó giải thích.
3) – Hiền đệ đừng nói vậy, oan uống anh quá !
c) Chủ động chất vấn nhằm khẳng định mình không như lời kết tội.
4) – Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ!
d) Chủ động, sẵn sàng chứng minh lòng trung nghĩa.
5) – Hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta.
e) Chất vấn, khẳng định mình không đến để bắt Trương Phi.
Trả lời:
l) – c); 2) – b); 3) – a); 4) – e); 5) – d).
Câu 6 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đặc điểm nghệ thuật nào sau đây không phải là đặc sắc của đoạn trích Hồi trống Cổ Thành?
A. Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn
B. Tả phong cảnh sắc nét, chân thực
C. Tính cách nhân vật được khắc hoạ đậm nét qua lời lẽ, hành động
D. Tình tiết sinh động, kịch tính với các mâu thuẫn diễn ra dồn dập
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Tả phong cảnh sắc nét, chân thực
Câu 7 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:(Câu hỏi 2, SGK) Nêu các sự kiện chính của văn bản Hồi trống Cổ Thành. Lí do gì dẫn đến sự hiểu lầm của nhân vật Trương Phi đối với Quan Công?
Trả lời:
Sự kiện chính:
Biết tin Lưu Bị ở bên Viên Thiệu, Quan Công tìm cách đi gặp anh. Trên đường ngang qua CỔ Thành, bẤt ngờ biết Trương Phi đang ở thành này, vội sai ngay Tôn Càn vào báo tin.
Nghi ngờ Quan Công tới bắt mình vì trước đó Trương Phi đã nghe tin Vân Trường chạy sang bên Tào Tháo và được Tào Tháo ưu đãi, nên khi hay tin, Trương Phi chẳng nói chẳng rằng, vác xà mâu lên ngựa xông ra định đâm chết Quan Công.
Quan Công vừa tránh, đỡ mũi xà mâu của Trương Phi, vừa khôn khéo tìm cách giải thích, minh oan nhưng Trương Phi không nghe, lớn tiếng kết tội Quan Công bội nghĩa. Đúng lúc đó, một đám quân Tào do Sái Dương cầm đầu kéo đến, Trương Phi càng bừng bừng lửa giận, thách thức Quan Công chém Sái Dương trong ba hồi trống để tỏ lòng thành thực, giải mối nghi ngờ.
Chưa dứt hồi trống, bằng dũng khí và tài nghệ của mình, Quan Công chém rơi
đầu Sái Dương. Lúc này, lòng thành thực của Quan Công đã tỏ. Sau khi cẩn thận hỏi kĩ mọi người, Trương Phi “thụp xuống lạy” Vân Trường.
Lí do dẫn đến sự hiểu lầm: bại trận, ba anh em Lưu – Quan – Trương thất tán
mỗi người một nơi. Lưu Bị chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Trương Phi trốn vào núi Mang Đãng. Quan Công về hàng Tào Tháo, được Tào Tháo đối đãi rất trọng thị. Việc này khiến Lưu – Trương nghi ngờ Quan Công phản bội lời thề kết nghĩa. Lập trường nhất quán của Trương Phi là: “Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ!” Đây là nguyên tắc đạo đức cao cả của bậc “trung thần”, “đại trượng phu”. Ấy vậy mà khi gặp lại, Quan Công còn nhắc lại “nghĩa vườn đào”, khác gì phỉ báng lời thề năm xưa! Trong con mặt của Trương Phi, Quan Công không chỉ đã vi phạm nguyên tắc tín nghĩa mà còn là kẻ rắp tâm bội nghĩa, bất nhân. Trương Phi đã không hiểu được tình thế khó khăn, nan giải của Quan Công, khi phải bảo vệ an toàn cho hai chị dâu, cũng như khả năng quyền biến của Quan Công trước tình thế ngặt nghèo.
Câu 8 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Người kể chuyện tập trung thể hiện tính cách bộc trực, ngay thẳng của Trương Phi thông qua những yếu tố nào?
Trả lời:
Người kể chuyện tập trung thể hiện tính cách bộc trực, ngay thẳng của Trương Phi thông qua miêu tả hình dáng, cử chỉ, thái độ, lời nói và hành động.
Hình dáng, cử chỉ: “mắt tròn xoe, râu vểnh ngược”; “hò thét như sấm”, “múa
xà mâu chạy lại đâm”, “hăm hở lại đâm”; “thẳng cánh đánh trống”:…
Lời nói: xưng hô mày – tao, lớn tiếng kết tội Quan Công; gạt bỏ mọi lời khuyên
can của hai phu nhân và Tôn Càn.
Thái độ: nóng nảy, giận dữ.
Hành động: chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáp vác mâu lên ngựa, dẫn một
nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc, hai lần xông lại đâm Quan Công: ra điều kiện thách thức Quan Công chứng minh lòng trung nghĩa (phải chém đầu Sái Dương trong ba
hồi trống).
Tính cách bộc trực, thẳng thắn của Trương Phi hiện ra rất sinh động, kịch tính, hấp dẫn, lôi cuốn.
Câu 9 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Sự độ lượng, khí phách và tài nghệ của Quan Công đã được khắc hoạ trong đoạn trích như thế nào?
Trả lời:
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Quan Công là một người trung nghĩa hiếm có (nhưng cũng là người cậy tài, tự cao, tự phụ). Trong đoạn trích này, khi đối diện với sự nóng nảy, cơn giận dữ dội của Trương.Phi, Quan Công lại hiện ra khiêm nhường, nhũn nhặn. Sự khiêm nhường, nhũn nhặn này được thể hiện qua lời nói, thái độ và hành động:
Lời nói: ôn tổn giải thích với Trương Phi, khôn khéo cầu cứu hai chị dâu.
Thái độ: bình tĩnh, không cố chấp.
Hành động: né tránh, đỡ đòn xà mâu của Trương Phi.
Chính sự khiêm nhường, nhũn nhặn của Quan Công khi đối diện với Trương Phi càng làm nổi bật tính cách nóng nảy, suy nghĩ có phần đơn giản, một chiều của Trương Phi. Nó cho thấy một Quan Công độ lượng, xứng đáng bậc đàn anh nghĩa hiệp. Sự độ lượng này là bằng chứng cho thấy Quan Công hiểu rất rõ tính cách của người anh em kết nghĩa Trương Phi.
Khí phách, tài nghệ của Quan Công được thể hiện qua tình huống: chấp nhận thách thức của Trương Phi và chỉ trong chớp mắt đã chém rơi đầu Sái Dương – một tướng giỏi của Tào Tháo.
Bằng việc chấp nhận thách thức, dám đối mặt với sinh tử, Quan Công chứng tỏ sức mạnh của mình. Đó là sức mạnh của lòng trung tín, trung nghĩa và tài năng – những nguồn sức mạnh giúp Quan Công vượt qua mọi cám dỗ, mọi sự hiểu lầm, khó khăn, trở ngại để trọn vẹn “nghĩa vườn đào” với Lưu Bị, Trương Phi.
Chém đầu Sái Dương chỉ trong một hồi trống là biểu hiện cho tài nghệ, bản lĩnh của Quan Công.
Câu 10 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Từ chi tiết Trương Phi “rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân Trường”, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) làm rõ vẻ đẹp của Trương Phi và rút ra bài học ý nghĩa cho bản thân.
Trả lời:
Chi tiết Trương Phi “rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân Trường” đã thể hiện được sự ăn năn, hối lỗi của Trương Phi. Trương Phi tuy tính tình nóng nảy nhưng khi hiểu hết câu chuyện và hoàn cảnh của người anh kết nghĩa thì đã tin tưởng và phục thiện. Qua đó, thể hiện tình cảm chân thành của người em cương trực, thẳng thắn, nghĩa dũng đối với người anh của mình. Từ hình ảnh đó, em rút ra bài học của bản thân: cần bình tĩnh suy xét mọi chuyện trước khi hành động; cần dũng cảm nhận sai và luôn biết phục thiện, biết trân quý tình thân, rèn luyện đức tính cương trực, thắng thắn, trung nghĩa,…
II. Bài tập tiếng Việt
-
Bài tập tiếng Việt trang 17,18
-
Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Bài tập 1, SGK) Tìm và so sánh bộ phận chêm xen trong hai câu dưới đây (trích từ truyện ngắn Ngày cuối cùng của chiến tranh của Vũ Cao Phan). Các bộ phận ấy có tác dụng giống nhau và khác nhau như thế nào?
a) Lúc đó, buổi sáng của một ngày trước Ba mươi tháng Tư, năm người lính đứng bên chiếc cổng sắt xiêu vẹo, phía trong nhô cao một tháp xi măng lênh khênh.
b) Vào phiên liên lạc sớm với trung đoàn, tôi được nhắc tăng cường cảnh giác và được biết thêm rằng ngày hôm nay – rất có thể là ngày hôm nay – các binh đoàn bộ binh sẽ tiến vào nội đô.
Trả lời:
a) Các em hoàn thành bài tập theo gợi ý sau:
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong hai câu trên:
Thành phần chêm xen ở câu a) được xác định là: “buổi sáng của một ngày trước Ba mươi tháng Tư”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: Thành phần chêm xen “buổi sáng của một ngày trước Ba mươi tháng Tư” có tác dụng bổ nghĩa cho cụm từ chỉ thời gian “lúc đó”, đánh dấu thời điểm xảy ra trước ngày giải phóng: chúng được dùng để bổ sung ý nghĩa cho thời gian, thời điểm hết sức quan trọng trong diễn biến cốt truyện và sự kiện của câu chuyện mà tác giả đang kể.
b)
+ Thành phần chêm xen ở câu b) được xác định là: “rất có thể là ngày hôm nay”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: thành phần chêm xen trong câu này cũng có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho thời gian được xác định trong câu. Thành phần chêm xen “rất có thể là ngày hôm nay” có tác dụng bổ nghĩa danh ngữ thời gian “ngày hôm nay” – thời điểm hết sức quan trọng trong diễn biến của cốt truyện và sự kiện của câu chuyện mà tác giả đang kể.
+ So sánh: Cả hai câu đều dùng thành phần chêm xen để bổ sung ý nghĩa về thời gian, nhấn mạnh thời điểm hết sức quan trọng trong diễn biến của cốt truyện và sự kiện của câu chuyện mà tác giả đang kể. Điểm khác là, ở câu a), thành phần chêm xen là bổ ngữ cho trạng ngữ; còn ở câu b), thành phần chêm xen làm định ngữ cho ngữ danh từ.
Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Bài tập 2, SGK) Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen trong những ngữ liệu sau:
a) Trước hết, người Hà Nội, kết quả của tinh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài học hỏi người ngoài và nâng cao nên trở thành những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi. (Trần Quốc Vượng)
b) Chèo buông, đò ngang trôi theo dòng xuôi về phía hạ nguồn. Ông và dì, mội già một trẻ, một lành lặn, một thương tật tựa đỡ vào nhau. Bóng dì và ông in trên mặt sông lẫn trong bóng chiều cháy đỏ. (Sương Nguyệt Minh)
c) Các chiến sĩ trinh sát của tôi khá đấy. Tôi cũng đã thấy đôi điều ngờ ngợ và giờ đây thì rất nhanh, như một phản ứng nghề nghiệp, tất cả các dữ kiện được xâu lại để bật lên thông tin chủ yếu này: ma xơ Giám đốc đã giấu ai đó – những ai đó – trong nhà nguyện kia vào lúc chúng tôi vừa hành quân đến đây. Ai? (Vũ Cao Phan)
Trả lời:
a)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Trần Quốc Vượng: “Kết quả của tinh hoa bốn phương hội tụ”; hoặc “làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: bổ sung ý nghĩa phụ chú cho cụm danh từ “người Hà Nội”. Nhờ thành phần chêm xen này mà người đọc hiểu thêm về nguồn gốc dân trí, dân sinh của người Hà Nội, những cư dân tiêu biểu của trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước. Cũng như “làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi” chú thích và bổ sung nghĩa tu từ để nhấn mạnh cho việc “lao động giỏi” của người Hà Nội.
b)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Sương Nguyệt Minh: “một già một trẻ, một lành lặn, một thương tật”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: bổ sung ý nghĩa phụ chú và tác dụng biểu cảm cho cụm từ “ông và dì” được tác giả miêu tả. Nhờ thành phần chêm xen này mà người đọc hiểu thêm về hai số phận con người hậu chiến tranh phải chịu những mất mát, đau thương như thế nào.
c)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Vũ Cao Phan: “như một phản ứng nghề nghiệp”, “những ai đó”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: bổ sung ý nghĩa: phụ chú cho thành phần chính của câu. Trong đoạn trích, thành phần chêm xen “như một phản ứng nghề nghiệp” phụ chú thêm cho ý nghĩa của “rất nhanh”; “những ai đó” phụ chú thêm về ý nghĩa số lượng cho “ai đó”.
Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Tìm và nêu tác dụng của biện pháp chêm xen được sử dụng trong các câu sau:
a) Nguyễn Trãi là tác giả của “Dư địa chí”, một cuốn sách có giá trị về địa lí, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ. (Phạm Văn Đồng)
b) Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. (Nguyễn Minh Châu)
c) Đã nhìn thấy cây đàn ấy thì phải đánh – đánh cái cuộc đời mình vào đấy – để rồi xem nó ra được thành tiếng gì. (Nguyễn Tuân)
d) Tôi để Vình, một tiểu đội trưởng trinh sát già dặn, ở lại đài quan sát rồi cùng các chiến sĩ bước theo ma xơ. (Vũ Cao Phan)
Trả lời:
a)
+ Xác định biện pháp chêm xen: “một cuốn sách có giá trị về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: bổ sung ý nghĩa phụ chú cho cụm danh từ “Dư địa chí”. Nhờ thành phần chêm xen này mà người đọc hiểu thêm về giá trị của tác phẩm Dư địa chí trên nhiều phương diện của đời sống.
b)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Nguyễn Minh Châu: “cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: nhờ thành phần chêm xen nói trên mà ngôn ngữ miêu tả bông hoa bằng lăng mới trở nên hình tượng và đầy biểu cảm.
c)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giá Nguyễn Tuân: “đánh cái cuộc đời mình vào đấy”. ,
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: Nguyễn Tuân đã rất sáng tạo và tinh tế khi dùng biện pháp chêm xen để nhấn mạnh tính hình tượng và biểu cảm của tiếng đàn. Tiếng đàn không chỉ là thứ âm thanh vô hồn, vô cảm mà trong nó ẩn chưa những tiếng nói đồng điệu từ cuộc đời mỗi người.
d)
+ Xác định biện pháp chêm xen có trong đoạn trích của tác giả Vũ Cao Phan: “một tiểu đội trưởng trinh sát già dặn”.
+ Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen: thành phần chêm xen được nhà văn Vũ Cao Phan sử dụng trong đoạn trích có tác dụng nhấn mạnh hai thông tin quan trọng về nhân vật Vinh: về chức vụ (“một tiểu đội trưởng trinh sát”); về kinh nghiệm chiến trường (“già dặn”). Cách miêu tả nhân vật có sử dụng biện pháp chêm xen như trên đã làm cho câu văn trở nên có tính hình tượng và hàm chứa nhiều thông tin bổ sung mang màu sắc tu từ.
Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) có sử dụng biện pháp chêm xen, nội dung liên quan đến chủ đề thể hiện qua các truyện ngắn trong bài học.
Trả lời:
Nhân loại đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và những gì để lại sâu sắc và nặng nề nhất chính là chiến tranh. Chiến tranh là sự xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chính phủ, xã hội… là hành động sai trái và phi nghĩa mà mọi công dân trên thế giới đều cần phải lên án và ngăn cản. Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhân loại. Chiến tranh gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của con người, khiến cuộc sống và tinh thần của người dân bị đảo lộn. Nhiều công trình kiến trúc bị tàn phá đến mức không thể khôi phục lại, nền kinh tế, sản xuất hàng hóa bị ảnh hưởng, đình trệ… Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm chịu dưới ách xâm lăng, con người bị chà đạp, đàn áp. Cho đến nay ảnh hưởng chất độc màu da cam của đế quốc Mỹ năm xưa lên người dân Việt Nam vẫn còn đó, họ không được sống lành lặn, không được phát triển bình thường, chiến tranh lấy đi những người chồng, người cha, người con của biết bao gia đình… Để ngăn chặn chiến tranh, mỗi cá nhân cần nhận thức, ý thức bảo vệ nền độc lập quốc gia, dân tộc và có hành động ngăn chặn, lên án những hành vi nhen nhóm xung đột. Là một học sinh, em ý thức được rằng thế hệ thanh thiếu niên cần có ý thức học tập, rèn luyện để phát triển đất nước, xóa bỏ chiến tranh.
Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Thành phần in đậm trong các đoạn trích sau có chức năng gì?
a) Về thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta nên quý trọng hơn nữa thơ chữ Nôm, tiếng ta của Nguyễn Trãi, đó là vốn quý của văn học dân tộc. (Phạm Văn Đồng)
b) Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị đã oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thấm hồng da dẻ chị. (Anh Đức)
Trả lời:
a) Thành phần chêm xen “tiếng ta của Nguyễn Trãi” vừa chú giải cho “chữ Nôm” ở vế trước, vừa có tác dụng tu từ là nhấn mạnh vai trò của chữ Nôm là hệ chữ viết của người Việt sáng tạo nên dùng để giao tiếp và chuyển tải hồn cốt của dân tộc.
b) Thành phần chêm xen “nơi chị đã oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thấm hồng da dẻ chị” vừa có chức năng phụ chú cho cụm từ “cái chốn này” ở vế trước, bổ sung thông tin về miền đất được nói đến (nơi chị Sứ sinh ra và trưởng thành), vừa có tác dụng tu từ là nhấn mạnh chính nơi chôn rau cắt rốn ấy đã tạo nên phẩm chất anh dũng, bất khuất của con người chị Sứ. Cách chêm xen này tạo nên tính hình tượng và tính biểu cảm cho câu văn.
-
III. Bài tập viết
-
Bài tập viết trang 18
-
Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện là gì?
A. Bài nói trình bày rõ ràng những điểm chính về hình thức và nội dung, nhận định giá trị của tác phẩm văn học.
B. Bài viết nhằm làm sáng tỏ cái hay, cái đẹp của thơ thông qua những ý kiến, lí lẽ và bằng chứng cụ thể.
C. Bài viết nêu lên và làm sáng tỏ giá trị về hình thức, nội dung của một truyện.
D. Bài viết trình bày cảm xúc và ấn tượng khi đọc một tác phẩm truyện.
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Bài viết nêu lên và làm sáng tỏ giá trị về hình thức, nội dung của một truyện.
Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Dưới đây là các bước cần thiết để viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện. Hãy sắp xếp các bước đó theo thứ tự phù hợp:
A. Dựa vào dàn ý đã lập để viết thành bài văn nghị luận.
B. Đọc lại văn bản truyện, tìm ý và lập dàn ý phù hợp với yêu cầu của đề bài.
C. Kiểm tra bài viết đã làm, nhận biết và chỉnh sửa các lỗi.
D. Xác định rõ yêu cầu nghị luận mà đề văn đã nêu.
Trả lời:
1) -D 2) -B 3) – A 4) -C.
Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Tìm ý cho đề văn: Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Kiêu bình nổi loạn (Hoàng Lê nhất thông chí – Ngô gia văn phái).
Trả lời:
Giá trị nội dung:
– Sử dụng tư liệu hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện => tình cảnh khủng hoảng của xã hội lúc bấy giờ
Giá trị nghệ thuật:
– Bút pháp tả thực của lối chép sử biên niên không che dấu một nụ cười mỉa mai và xót xa trước tình cảnh đất nước bị rữa nát từ chính quyền trung ương.
Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Tìm ý cho đề văn: So sánh cách miêu tả, thể hiện nhân vật Trịnh Tông trong đoạn trích Kiên binh nổi loạn và Quang Trung trong đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh (Hoàng Lê nhất thông chí – Ngô gia văn phái).
Trả lời:
– Trong Kiêu binh nổi loạn: Cho thấy rằng Trịnh Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh, không dám động vào quân linh để thị uy. Trịnh Tông được miêu tả là một người bù nhìn, vô dụng, bất tài và nh nược.
– Trong Hoàng Lê nhất thống chí: Quang Trung là một người có hành động quyết đoán, mạnh mẽ. Ông là người có trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng. Vua Quang Trung là vị vua có tài thao lược, dụng binh hơn người.
Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Lập dàn ý cho đề văn: Phân tích tính cách hai nhân vật Trương Phi và Quan Công trong Hồi trồng Cổ Thành (trích Tam quốc diễn nghĩa) của La Quán Trung.
Trả lời:
Dàn ý tham khảo:
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả La Quán Trung (tên tác giả, con người, sự nghiệp văn học) và đoạn trích “Hồi trống cổ thành” (vị trí, nội dung đoạn trích).
– Giới thiệu nhân vật Trương Phi và Quan Công
II. Thân bài
1. Nhân vật Trương Phi
Khi nghe tin Quan Công đến.
– Thái độ: chẳng nói chẳng rằng
– Hành động: Mặc áo giáp dẫn nghìn quân lên ải Bắc
→ Hành động vội vàng, nóng vội.
Khi gặp Quan Công
– Thái độ: mắt trợn tròn, râu hùm vểnh ngược.
– Hành động: hò hét như sấm, múa sà mâu tới đâm Quan Công.
– Cách xưng hô: Mày – tao, nó, thằng, không coi Quan Công là người bề trên.
– Nguyên nhân: vì nghi ngờ Quan Công phản bội
→ Là một người nóng nảy nhưng đó là biểu hiện của sự cương trực, kiên quyết.
– Buộc tội Quan Công: Sử dụng những lập luận sắc bén, hợp tình hợp lí
+ Bỏ anh → Bất nghĩa
+ Hàng Tào → Bất trung
+ Được phong hầu tước → Tham lam
+ Đến đây đánh lừa; đâu có tốt bụng; đến để bắt ta → Bất nhân
→ Là người ngay thẳng, yêu ghét rõ ràng, trắng đen rạch ròi.
Khi Sái Dương xuất hiện.
– Suy nghĩ: Nghĩ Quan Công đem quân đến bắt mình
– Hành động: Múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công.
– Yêu cầu: Đánh ba hồi trống để Quan Công chém chết tướng giặc thể hiện lòng thành, thẳng tay đánh trống để thách thức Quan Công.
→ Thái độ mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát của con người ngay thẳng
→ Việc Sái Dương xuất hiện đẩy mâu thuẫn giữa hai nhân vật Trương Phi – Quan Công lên đến đỉnh điểm
→ Sái Dương là nút thắt để Quan Công giải mối hàm oan, Quan Công nhờ đó mà giải được nỗi oan cho mình, Trương Phi cũng thể hiện được khí chất khảng khái của người anh hùng.
Khi Quan Công giết được Sái Dương
– Thái độ, hành động: rỏ nước mắt, thụp lạy Quan Công
→ Thái độ bao dung, phục thiện đúng lúc.
→ Trương Phi là con người giàu tình cảm, nóng nảy, thô lỗ nhưng khôn ngoan và biết trọng lẽ phải.
2. Nhân vật Quan Công
– Quan Công là một người trung nghĩa nhưng thể hiện theo cách riêng của mình, không máy móc và cứng nhắc như Trương Phi.
– Trong tình thế bị mắc lại ở trên núi, phải chăm sóc vợ con Lưu Bị cũng thà chết chứ không chịu hàng. -> tấm lòng trung nghĩa.
– Trong đoạn trích, Quan Công rơi vào tình thế trớ trêu: vượt qua 5 cửa quan của Tào Tháo để hội ngộ anh em nhưng bị Trương Phi nghi ngờ bội nghĩa và phản ứng quyết liệt
→ Cửa ải thứ 6 này khó khăn, ngặt nghèo hơn 5 cửa vừa vượt qua.
→ Nhiệm vụ: hóa giải mối nghi ngờ của Trương Phi, chứng thực lòng trung của mình.
– Quá trình minh oan, lấy lại lòng tin của Trương Phi:
+ Khi Quan Công mừng rỡ tiến đến giáp mặt Trương Phi, Trương Phi hăm hở vác xà mâu đâm Quan Công, Quan Công hỏi lí do nhưng không thể thanh minh được nên cầu cứu hai chị dâu thanh minh cho mình. “Chuyện này em không biết, ta cũng khó nói, may có hai chị ở đây, em đến mà hỏi”.
+ Từ tốn thuyết phục với cách xưng hô đầy yêu thương -> tình nghĩa cả quá trình được đem ra để Trương Phi có thể lắng mình lại.
+ Tự ra điều kiện để lấy lại lòng tin của Trương Phi: chém đầu Sái Dương, chấp nhận thêm điều kiện về thời gian của Trương Phi, nhanh chóng thực hiện.
+ Bắt một tên lính Tào, kể lại đầu đuôi cho Trương Phi hiểu.
→ Quan Công khác Trương Phi. Nếu Trương Phi bộc trực, ngay thẳng, rạch ròi trắng đen. Quan Công là người trung nghĩa, tài năng, khôn khéo, bình tĩnh, gỡ được tình thế khó khăn.
=> Chính vì thế mới xứng đáng là anh của Trương Phi.
Quan Công qua đoạn trích là con người độ lượng, từ tốn, khéo léo, khiêm nhường, biết cân nhắc trước khi hành động.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Khắc họa nhân vật qua lời nói và hành động
– Xây dựng những diễn biến tình tiết độc đáo, kịch tính để nhân vật bộc lộ tính cách.
– Xây dựng nhân vật theo hướng điển hình hóa, Trương Phi đại diện cho những con người nóng nảy nhưng trọng nghĩa, khẳng khái.
– Ngôn ngữ sinh động, cách kể chuyện hấp dẫn.
III. Kết bài
– Khái quát nội dung và nghệ thuật xây dựng nhân vật Trương Phi và Quan Công
– Bàn luận về tính cách Trương Phi và Quan Công trong đời sống thực tế hiện nay.
-
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 5: Thơ văn Nguyễn Trãi
Bài 6: Tiểu thuyết và truyện ngắn
Bài 7: Thơ tự do
Bài 8: Văn bản nghị luận
Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 2