Giới thiệu về tài liệu:
– Số trang: 6 trang
– Số câu hỏi trắc nghiệm: 11 câu
– Lời giải & đáp án: có
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 31 có đáp án: Nước Pháp trước cách mạng:
CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ LỚP 10
BÀI 31: NƯỚC PHÁP TRƯỚC CÁCH MẠNG
Câu 1: Trào lưu triết học ánh sáng có tác động như thế nào đối với sự bùng nổ của cách mạng tư sản Pháp?
A. Tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cách mạng bùng nổ
B. Phác họa mô hình của một chế độ xã hội mới
C. Chuẩn bị về cơ sở vật chất cho sự bùng nổ của cách mạng tư sản
D. Là ngọn cờ tập hợp lực lượng quần chúng nổi dậy đấu tranh
Đáp án : Những tư tưởng của trào lưu triết học ánh sáng đã lên án mạnh mẽ sự áp bức, bóc lột của chế độ quân chủ chuyên chế, đả kích giáo hội Kitô, muốn dùng “ánh sáng” quét sạch bóng tối phong kiến và “khai sáng” cho nhân dân
=> Trào lưu triết học ánh sáng thế kỉ XVIII đã tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cách mạng bùng nổ.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 2: Đâu không phải là lý do nông nghiệp Pháp trước cách mạng kém phát triển?
A. Công cụ, kĩ thuật canh tác lạc hậu
B. Đất đai bị bỏ hoang, năng suất cây trồng thấp
C. Quan hệ phong kiến vẫn được duy trì với phương thức bóc lột cũ
D. Một số địa chủ chuyển sang phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa
Đáp án : Trước cách mạng, nông nghiệp Pháp kém phát triển do công cụ, kĩ thuật canh tác còn thô sơ, một phần ba diện tích đất đai bị bỏ hoang, năng suất cây trồng thấp. Trong nhiều vùng, đặc biệt ở các tỉnh Đông Bắc, một số địa chủ chuyển sang phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa nhưng không thành công. Nhìn chung, trong nông nghiệp Pháp, quan hệ phong kiến vẫn được duy trì với phương thức bóc lột cũ
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Nguyên nhân sâu xa dẫn tới bùng nổ Cách mạng tư sản Pháp là
A. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ sản xuất phong kiến
B. Chế độ phong kiến Pháp lâm vào tình trạng khủng hoảng
C. Mâu thuẫn giữa Đẳng cấp thứ ba với chế độ phong kiến
D. Sự cổ vũ từ cách mạng tư sản Anh, Hà Lan và chiến tranh giành độc lập ở 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ
Đáp án : Nguyên nhân sâu xa dẫn tới bùng nổ Cách mạng tư sản Pháp là Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đang lên với quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời. Mặc dù nông nghiệp Pháp ở trong tình trạng lạc hậu, nhưng công nghiệp và thương nghiệp Pháp lại rất phát triển, Song, sự giao lưu hàng hóa trong nước cũng như việc buôn bán với nước ngoài còn gặp nhiều cản trở do thị trường dân tộc không thống nhất; nhà nước nắm độc quyền về lúa mì, muối; hạn chế việc buôn bán với nhiều nước châu Âu. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải tiến hành một cuộc cách mạng để xóa bỏ những rảo cản phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 4: Bối cảnh bùng nổ cách mạng tư sản Anh và cách mạng tư sản Pháp có nét gì tương đồng?
A. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào nông nghiệp
B. Sự ra đời của tầng lớp quý tộc mới
C. Sự tồn tại của chế độ đẳng cấp
D. Cuộc khủng hoảng về tài chính của triều đình phong kiến
Đáp án : Điểm giống nhau về bối cảnh bùng nổ của cách mạng tư sản Anh và Pháp là cuộc khủng hoảng về tài chính của triều đình phong kiến. Ở Anh, vua Sác-lơ I muốn tăng thuế để có tiền đàn áp cuộc nổi dậy của người Xcốt-len. Ở Pháp, vua Lu-I cũng muốn triệu tập các đại biểu để thỏa thuận cho vay tiền và đánh thêm thuế mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính (số nợ của nhà vua lên tới 5 tỉ livrơ).
=> Cách mạng tư sản Anh và Cách mạng tư sản Pháp đều bủng nổ xoay quanh vấn đề tài chính.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 5: Di sản chính trị nào của Mông-te-xki-ơ đã và đang được nhân loại sử dụng hiện nay?
A. Cơ chế tam quyền phân lập
B. Chế độ nghị viện
C. Chế độ cộng hòa
D. Chế độ đại nghị
Đáp án : Trong tác phẩm “Tinh thần luật pháp”, Mông-te-xki-ơ đã đưa ra học thuyết Tam quyền phân lập. Học thuyết này đã và đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới ứng dụng trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước.
Theo ông, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực mà phân chia nó ra thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, không chỉ để chuyên môn hoá các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan công quyền. Chính phủ sẽ nắm quyền hành pháp. Quốc hội sẽ nắm quyền lập pháp. Tòa án tối cao sẽ nắm quyền tư pháp
Đáp án cần chọn là: A
Câu 6: Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Pháp trước cách mạng là
A. Nền kinh tế phát triển nhất châu Âu
B. Nông nghiệp lạc hậu, công thương nghiệp tương đối phát triển
C. Máy móc được sử dụng trong sản xuất ngày càng nhiều
D. Các công ti thương mại Pháp có quan hệ buôn bán với nhiều nước
Đáp án : Điểm nổi bật của nền kinh tế Pháp trước cách mạng là nông nghiệp lạc hậu, công thương nghiệp tương đối phát triển.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 7: Trước khi cách mạng bùng nổ, nước Pháp theo thể chế chính trị gì?
A. Quân chủ lập hiến
B. Cộng hòa tổng thống
C. Quân chủ chuyên chế
D. Cộng hòa đại nghị
Đáp án : Đến cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế (đứng đầu là vua Lu-I XVI).
Đáp án cần chọn là: C
Câu 8: Trước cách mạng, trong xã hội Pháp tồn tại những đẳng cấp nào?
A. Quý tộc, tư sản và công nhân
B. Quý tộc, tư sản và nông dân
C. Quý tộc, tăng lữ và nông dân
D. Quý tộc, tăng lữ và đẳng cấp thứ ba
Đáp án : Xã hội Pháp trước cách mạng phân chia thành 3 đẳng cấp là Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba (tư sản, nông dân, bình dân thành thị).
Đáp án cần chọn là: D
Câu 9: Giai cấp nào trong xã hội Pháp có tiềm lực kinh tế nhưng không có địa vị chính trị tương xứng?
A. Thương nhân
B. Thị dân
C. Tư sản
D. Nông dân
Đáp án : Tư sản là giai cấp có thế lực kinh tế mạnh nhưng không có quyền lực chính trịm bị nhà vua và các lãnh chúa địa phương ngăn cản hoạt động kinh doanh
Đáp án cần chọn là: C
Câu 10: Ý nào không phản ánh đúng đặc điểm của đẳng cấp Quý tộc và tăng lữ ở nước Pháp?
A. Chiếm đa số trong dân cư
B. Được hưởng được mọi đặc quyền, đặc lợi không phải nộp thuế
C. Giữ chức vụ cao trong chính quyền, quân đội và Giáo hội
D. Muốn duy trì sự tồn tại chế độ phong kiến
Đáp án : Quý tộc và tăng lữ là những đẳng cấp được hưởng nhiều đặc quyền. Họ không phải đóng thuế, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong giáo hội, bộ máy chính quyền và quân đội. Do đó họ muốn duy trì sự tồn tại của chế độ phong kiến
=> Đáp án A: là đặc điểm của đẳng cấp thứ ba.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 11: Ý nào sau đây không phản ánh điểm tương đồng của các nhà triết học Ánh sáng Pháp thế kỉ XVII – XVIII?
A. Đều chấp nhận ánh sáng tự nhiên.
B. Đều vứt bỏ siêu hình học.
C. Chấp nhận toán học như là một mô hình duy nhất của khoa học.
D. Đã có một quan niệm khác về con người.
Đáp án : Triết học ánh sáng là trào lưu triết học của giai cấp tư sản đang lên ở Châu Âu, xuất hiện vào thế kỉ 17, nhất là thế kỉ 18. Ánh sáng ở đây là chỉ ánh sáng tự nhiên để phân biệt với ánh sáng siêu nhiên được gắn liền với thần học. Các nhà triết học ánh sáng nổi lên mạnh nhất vào thế kỉ 18 (thế kỉ này được gọi là Thế kỉ Ánh sáng). Họ có chung những đặc điểm sau:
Đều chấp nhận ánh sáng tự nhiên, phản đối việc triết học làm đầy tớ cho thần học. Triết học của họ là triết học thế tục.
Đều vứt bỏ siêu hình học. Trong lĩnh vực này phải kể đến công lao của Bâylơ (P. Bayle) và Lôckơ (J. Locke), của Vônte (F. M. Voltaire) và các nhà bách khoa toàn thư.
Về phương pháp, các nhà triết học ánh sáng không còn chấp nhận toán học như là một mô hình duy nhất của khoa học và quan tâm đến những quan sát và kinh nghiệm.
Từ những quan niệm trên, các nhà triết học ánh sáng đã có một quan niệm khác về con người. Trong khi tôn giáo đặt con người ở trên tất cả mọi loài động vật thì họ cho rằng “con người cũng có một thể xác động vật”. Quan niệm con người tự nhiên của họ đã mở ra nhiều ngành khoa học nghiên cứu về con người trên cơ sở khoa học. Mặt khác, họ đã nghiên cứu về con người xã hội. Trong lĩnh vực này phải kể đến những tác phẩm lớn như “Tinh thần luật pháp” của Môngtexkiơ (C. de Montesquieu) và “Khế ước xã hội” của Ruxô (J. J. Rousseau).
Đáp án cần chọn là: C
Xem thêm