Giải bài tập Khoa học tự nhiên 6 Bài 49: Năng lượng hao phí
Mở đầu trang 171 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Trong ba cách đun nước ở hình bên, cách đun nào ít hao phí năng lượng nhất? Tại sao?
Lời giải:
Trong ba cách đun nước trên cách dùng ấm điện là cách ít hao phí năng lượng nhất. Vì:
– Ở hình 3, năng lượng điện chuyển hóa thành năng lượng nhiệt làm nóng ấm và sôi nước.
– Ở hình 1, năng lượng từ bếp củi chuyển hóa thành năng lượng nhiệt, nhiệt lượng tỏa ra môi trường xung quanh, làm nóng nồi và làm nước sôi. Nên mất nhiều năng lượng hơn hình 3.
– Ở hình 2, năng lượng từ bếp than chuyển hóa thành năng lượng nhiệt, nhiệt lượng tỏa ra môi trường xung quanh, làm nóng bếp, nóng nồi và làm nước sôi. Nên mất nhiều năng lượng hơn hình 3.
Câu hỏi 1 trang 171 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Trong việc đun sôi nước như hình trên, năng lượng nào là hữu ích, năng lượng nào là hao phí?
Lời giải:
Trong việc đun sôi nước như hình trên:
– Năng lượng hữu ích là năng lượng nhiệt làm sôi nước
– Năng lượng nào là hao phí là năng lượng tỏa nhiệt ra môi trường và năng lượng làm nóng ấm.
Câu hỏi 2 trang 171 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Hãy tìm ví dụ để minh họa cho nhận định trên?
Lời giải:
Trong trường hợp bóng đèn sáng:
+ Năng lượng có ích là năng lượng ánh sáng để chiếu sáng.
+ Năng lượng hao phí là năng lượng nhiệt, làm cho bóng đèn nóng lên.
Trong trường hợp, quạt điện đang chạy:
+ Năng lượng có ích là năng lượng cơ năng tạo ra gió mát.
+ Năng lượng hao phí là năng lượng nhiệt làm nóng động cơ.
Câu hỏi 3 trang 171 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Nêu tình huống (ở gia đình, ở lớp học) cho thấy luôn có năng lượng hao phí xuất hiện trong quá trình sử dụng năng lượng. Xác định nguyên nhân gây ra sự hao phí đó?
Lời giải:
– Ví dụ tình huống ở gia đình:
Nhà em thường dùng bếp gas để nấu đồ ăn cho gia đình. Nhưng khi đun bếp, em thấy rất nóng, đun thức ăn cũng thấy lâu chín. Như vậy, trong quá trình sử dụng năng lượng nhiệt từ gas để nấu chín thức ăn thì năng lượng nhiệt còn bị thất thoát ra môi trường làm nóng môi trường bên ngoài và làm nóng xoong/ nồi đựng thức ăn. Đó chính là năng lượng hao phí.
– Ví dụ tình huống ở lớp học:
Vào mùa hè nắng nóng, tất cả các quạt ở trong lớp học luôn được bật và chỉ tắt đi khi tan giờ học và sờ vào hộp động cơ của quạt luôn thấy nó nóng ran. Như vậy, năng lượng hao phí xuất hiện ở đây là do năng lượng nhiệt của dòng điện làm nóng hộp động cơ quạt.
Hoạt động 1 trang 171 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Năng lượng hao phí khi đi xe đạp
a/ Dự đoán xem ở bộ phận nào của xe đạp có thể xảy ra sự hao phí năng lượng nhiều nhất?
b/ Dạng năng lượng nào là hữu ích, là hao phí đối với người và xe?
Lời giải:
a/ Bộ phận lốp xe đạp có thể xảy ra sự hao phí năng lượng nhiều nhất do lốp xe ma sát với mặt đường sẽ làm cho cả lốp xe và mặt đường bị nóng lên.
b/ – Dạng năng lượng hữu ích là năng lượng cơ năng giúp người và xe chuyển động.
– Năng lượng hao phí đối với người và xe đó là năng lượng nhiệt, vì:
+ Người đạp xe bị nóng lên khi đạp.
+ Lốp xe ma sát với mặt đường làm lốp xe nóng lên.
Hoạt động 2 trang 172 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Năng lượng hao phí khi ô tô chạy
Nêu tên các dạng năng lượng hao phí có thể xuất hiện khi ô tô chuyển động trên đường?
Những hao phí này ảnh hưởng ra sao đến môi trường?
Lời giải:
– Các dạng năng lượng hao phí có thể xuất hiện khi ô tô chuyển động trên đường:
+ Nhiệt năng
+ Năng lượng âm
+ Năng lượng ánh sáng
– Các hao phí này gây ảnh hưởng tới môi trường:
+ Nhiệt năng của ô tô tỏa ra môi trường làm môi trường nóng lên.
+ Năng lượng âm của xe làm ô nhiễm tiếng ồn.
+ Năng lượng khi nhiên liệu đốt cháy trong động cơ sinh ra khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Em có thể 1 trang 172 Bài 49 Khoa học tự nhiên lớp 6: Nói về lợi ích dùng đèn LED trong việc thắp sáng
Hãy tìm kiếm thông tin về: giá cả, thời gian sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu quả thắp sáng, tác động đến môi trường của mỗi loại đèn trong hình 49.3 để nêu lí do tại sao nên dùng đèn LED để thắp sáng thay cho đèn sợi đốt và đèn compact.
Lời giải:
Lợi ích của đèn LED
– Giá cả:
+ Cao hơn so với các loại bóng huỳnh quang, sợi đốt.
+ Nhưng so với giá trị sử dụng được lâu và khả năng tiết kiệm năng lượng tốt thì vẫn rẻ hơn các loại bóng khác.
– Thời gian sử dụng:
+ 11 năm nếu sử dụng liên tục.
+ Đến 20 năm nếu mỗi ngày sử dụng khoảng 8 tiếng.
– Mức tiêu thụ năng lượng:
Tiêu tốn ít năng lượng hơn bóng đèn huỳnh quang, sợi đốt.
– Hiệu quả thắp sáng:
+ 80% năng lượng được chuyển đổi thành năng lượng ánh sáng.
+ 20% năng lượng được chuyển đổi thành năng lượng nhiệt.
– Tác động đến môi trường:
+ Các nguyên liệu cấu thành hoàn toàn không chứa các hóa chất độc hại.
+ Có thể tái chế 100%
+ Cắt giảm lượng khí thải C02 vào không khí.
Lý thuyết Bài 49: Năng lượng hao phí
I. Năng lượng hữu ích
Khi sử dụng năng lượng vào một mục đích nào đó thì luôn có một phần năng lượng là hữu ích, phần còn lại là hao phí.
Ví dụ:
Khi ấm nước đang sôi, năng lượng được biến đổi từ nhiệt năng của nhiên liệu thành nhiệt năng làm nóng nước và nhiệt năng làm nóng môi trường xung quanh ấm.
Năng lượng hữu ích chính là năng lượng nhiệt làm nóng nước.
Năng lượng hao phí chính là năng lượng nhiệt tỏa ra môi trường và năng lượng làm nóng ấm.
II. Năng lượng hao phí
– Năng lượng hao phí luôn xuất hiện trong quá trình chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, từ vật này sang vật khác.
– Năng lượng hao phí thường xuất hiện dưới dạng nhiệt năng (đôi khi có cả âm thanh hoặc ảnh sáng).