Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 2: Một số chính sách và biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên
Mở đầu trang 18 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cùng bạn chơi trò chơi tiếp sức để kể tên các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên mà em biết.
Lời giải:
– Một số biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên:
+ Vứt rác đúng nơi quy định;
+ Thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn;
+ Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, như: ống hút nhựa, túi ni-lông…
+ Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, như: năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều,…
+ Hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, như: ô tô, xe máy,…
+ Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển;
+ Xử lí chất thải, khí thải, nước thải,… đúng quy định trước khi xả ra môi trường
+ Trồng cây xanh; trồng rừng và bảo vệ rừng,…
+ Cải tiến công nghệ khai thác tài nguyên và công nghệ xử lí chất thải;
+ Tiết kiệm điện, nước
+ Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật; có chế tài xử phạt mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Khám phá
1. Một số chính sách nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên
a) trang 20 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Từ những thông tin trên, em hãy nêu các chính sách và kết quả thực hiện chính sách đó trong việc khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.
Lời giải:
– Các chính sách của nhà nước nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên:
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
+ Tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hoá bảo vệ môi trường, thông qua việc: tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp khác.
+ Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng kĩ thuật bảo vệ môi trường.
+ Ưu tiên xử lí ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.
+ Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.
+ Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
+ Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lí ô nhiễm, tái chế, xử lí chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kĩ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
+ Thực thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường.
– Kết quả thực hiện:
+ Quản lí tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực.
+ Kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác tài nguyên, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.
+ Công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, xử lí nghiêm theo pháp luật một số vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
+ Chú trọng chất lượng môi trường sống, cơ bản bảo đảm cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn.
b) trang 20 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy kể tên những chính sách khác nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên mà em biết.
Lời giải:
Một số chính sách khác nhằm nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên:
– Tôn vinh, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường;
– Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường;
– Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lí môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.
– Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
2. Một số biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên
a) trang 21 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Từ hình ảnh và thông tin trên, em hãy kể tên các biện pháp và kết quả thực hiện các biện pháp đó trong việc khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.
Lời giải:
– Các biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên:
+ Đầu tư vào sản xuất năng lượng có hiệu suất cao;
+ Cải thiện hoạt động quản lí chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải đô thị;
+ Xây dựng các hệ thống giao thông công cộng an toàn với giá cả hợp lí; các hệ thống thân thiện với người đi bộ và xe đạp;
+ Xây dựng các thành phố xanh và nhỏ gọn hơn với các tòa nhà có hiệu suất năng lượng cao;
+ Giảm chất thải nông nghiệp, đốt và cháy rừng, các hoạt động lâm nghiệp;
+ Cung cấp khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng công nghệ sạch với giá cả hợp lí cho hoạt động nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng.
+ Hạn chế rác thải nhựa;
– Kết quả thực hiện:
+Ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp được nâng cao.
+ Nhiều công nghệ, kĩ thuật tiên tiến được ứng dụng vào việc bảo vệ môi trường.
b) trang 21 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy kể tên những biện pháp khác nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên mà em biết.
Lời giải:
Những biện pháp khác nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên:
+ Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, như: ống hút nhựa, túi ni-lông,…
+ Sử dụng các loại túi được làm từ giấy, vải,… khi đi mua sắm.
+ Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ví dụ: thực phẩm hữu cơ,…
+ Sử dụng tiết kiệm điện, nước,…
+ Hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy,…) khi di chuyển;
+ Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe đạp,…
+ Tái chế các phế thải, rác thải,… thành các vật dụng hữu ích, ví dụ: sử dụng rác bếp để ủ, làm phân bón hữu cơ; tái chế vỏ chai nhựa thành ống đựng bút,…
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 22 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đánh giá ý nghĩa của mỗi chính sách, biện pháp dưới đây đối với việc khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.
A. Nhà nước ban hành các chính sách bảo vệ môi trường, nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động sản xuất nhằm ngăn ngừa ô nhiễm.
B. Chính phủ ban hành các quy định việc xử lí vi phạm pháp luật về ô nhiễm môi trường.
C. Các nhà trường tổ chức phong trào học sinh nói không với rác thải nhựa và áp dụng biện pháp xây dựng trường học thân thiện với môi trường.
D. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh X đầu tư máy móc, công nghệ để xử lí chất thải theo đúng tiêu chuẩn.
Lời giải:
– Chính sách A. Ý nghĩa: cho thấy sự quan tâm của nhà nước trong việc bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội.
– Chính sách B. Ý nghĩa:
+ Răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường;
– Biện pháp C. Ý nghĩa:
+ Góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa xả ra môi trường.
+ Nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường.
– Biện pháp D. Ý nghĩa:
+ Góp phần giảm thiểu các chất thải độc hại trong môi trường.
+ Cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đã được nâng cao.
Luyện tập 2 trang 22 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy bình luận ý kiến sau: Biện pháp giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.
Lời giải:
(*) Tham khảo:
– Giáo dục là một biện pháp quan trọng, không thể thiếu để giúp mọi người hiểu biết về môi trường. Những thông tin, kiến thức về môi trường được tích lũy, sẽ giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và với sự tồn tại của chính họ.
– Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của môi trường, mỗi cá nhân sẽ có ý thức xây dựng và rèn luyện cho mình các hành động thân thiện và văn minh với môi trường tự nhiên. Hành động của mỗi cá nhân dù nhỏ nhưng tích cực cũng sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn tốt đẹp hơn cho cộng đồng xã hội.
(*) Lưu ý: Học sinh có thể đưa ra ý kiến bình luận khác theo quan điểm cá nhân!
Luyện tập 3 trang 22 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Với vai trò là người tiêu dùng, em hãy liệt kê các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động tiêu dùng đến môi trường tự nhiên.
Lời giải:
– Một số biện pháp cụ thể nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động tiêu dùng đến môi trường tự nhiên:
+ Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, như: ống hút nhựa, túi ni-lông,…
+ Sử dụng các loại túi được làm từ giấy, vải,… khi đi mua sắm.
+ Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ví dụ: thực phẩm hữu cơ,…
+ Sử dụng tiết kiệm điện, nước,…
+ Hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy,…) khi di chuyển;
+ Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe đạp,…
+ Tái chế các phế thải, rác thải,… thành các vật dụng hữu ích, ví dụ: sử dụng rác bếp để ủ, làm phân bón hữu cơ; tái chế vỏ chai nhựa thành ống đựng bút,…
Luyện tập 4 trang 22 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cùng bạn thực hiện bài tập nghiên cứu về trường hợp cuộc sống của con người bị ảnh hưởng xấu do tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên theo các nội dung dưới đây:
Lời giải:
(*) Sản phẩm báo cáo tham khảo:
– Đề tài: Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người
– Hình thức thể hiện: Infographic
Vận dụng
Vận dụng 5 trang 23 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy viết bài luận để đánh giá một biện pháp, chính sách nhằm khắc phục hoặc hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.
Lời giải:
(*) Bài viết tham khảo: Vai trò và ý nghĩa của Luật Thuế môi trường
Ngày 15/11/2010, Quốc đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.
Có thể khẳng định rằng, thuế môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhất là trong điều kiện hiện nay khi tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển. Vai trò, ý nghĩa của thuế môi trường được thể hiện như sau:
Thuế môi trường góp phần làm thay đổi hành vi của các chủ thể kinh doanh và tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường hay nói cách khác, thuế môi trường có vai trò và ý nghĩa trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng – sản xuất, nhập khẩu hàng hóa “sạch”. Thông qua việc tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của các chủ thể liên quan mà chủ yếu là người gây ô nhiễm, các quy định về thuế môi trường sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường. Theo đó, những người gây ô nhiễm hoàn toàn có lí do để giảm lượng chất thải mà họ thải ra chừng nào chi phí cho việc này thấp hơn các chi phí về môi trường mà họ phải trả. Xét về lâu dài trong nền kinh tế thị trường, những công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường còn có thể làm nhiều hơn những gì một tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi.
Thuế môi trường góp phần khuyến khích sự năng động, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng những quy định công nghệ phù hợp để giảm thiểu chất thải, qua đó tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vai trò này của thuế môi trường được thể hiện ở chỗ, nó khuyến khích các chủ nguồn thải nghiên cứu và ứng dụng những quy trình công nghệ phù hợp nhất với khả năng của họ để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Bởi lẽ, không phải chủ nguồn thải nào cũng có khả năng dồi dào về tài chính. Các cơ sở công nghiệp nhỏ và tiểu thủ công nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Vì thế, nếu nhà nước quản lý theo phương cách mệnh lệnh hành chính nghĩa là áp đặt một loại thiết bị công nghệ nhất định mà cơ sở phải đầu tư để giảm thiểu chất thải thì sẽ có thể vượt quá khả năng tài chính cũng như trình độ công nghệ của cơ sở đó. Như vậy có thể thấy thuế môi trường có vai trò điều chỉnh kinh tế vĩ mô theo hướng tích cực, có tác dụng khuyến khích người gây ô nhiễm chủ động lưa chọn những biện pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm, vừa có lợi cho mình vừa bảo vệ môi trường, kích thích sự phát triển công nghiệp và tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển “sản xuất sạch”.
Thuế môi trường còn tạo ra sự chủ động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong quá trình hoạt động cũng như chủ động ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra. Thuế môi trường được sử dụng có vai trò, ý nghĩa đó là sẽ tạo cho các đối tượng này tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, làm cho họ chủ động hơn trong việc giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường khi sự cố xảy ra để đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ. Hơn nữa, chính vì việc thuế môi trường đánh vào những hàng hóa gây hại, có tác động xấu đến môi trường cho nên trên phương diện xã hội, thuế môi trường được sự ủng hộ của xã hội nhiều hơn.
Sử dụng công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường có vai trò trong việc có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Với sức ép về các vấn đề môi trường đang đặt ra hiện nay, cùng với phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn bị đặt trong tình trạng quá tải về công việc. Thay vì việc các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quyết định hành chính đã đặt ra cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh, thuế môi trường buộc các đối tượng này tự nguyện thực hiện những hành vi có lợi cho môi trường. Bởi vì, lợi ích kinh tế của chính cơ sở đã bị gắn chặt bởi những tổn hại về môi trường mà họ có thể gây ra. Do đó, không cần đến sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và gắt gao của các cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường, các cơ sở này cũng đã tự nguyện tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Khi đó gánh nặng quản lí của các cơ quan nhà nước đã được giảm thiểu một cách đáng kể.
Luật thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và được triển khai thi hành trên thực tế đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và là yêu cầu tất yếu và khách quan trong điều kiện hiện nay. Qua gần 05 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, thể hiện một bước tiến mới trong tư duy của các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam!
Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 1: Những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên
Bài 2: Một số chính sách và biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên
Bài 3: Khái niệm, nguyên tắc của pháp luật lao động
Bài 4: Một số vấn đề của pháp luật lao động về hợp đồng lao động
Bài 5: Một số vấn đề của pháp luật lao động về tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động
Xem thêm bài giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp Luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên
Chuyên đề 2: Một số vấn đề về pháp luật lao động
Chuyên đề 3: Một số vấn đề về pháp luật dân sự