Giải bài tập Lịch sử 6 Bài 18: Các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước thể kỉ X
Câu hỏi giữa bài
Câu hỏi 1 trang 89 Lịch Sử lớp 6: Những câu thơ trích trong Thiên Nam ngữ lục cho em biết thông tin gì về nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
Lời giải:
– Nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thông qua những câu thơ trích trong Thiên Nam ngữ lục:
+ Dấy binh khởi nghĩa để trả thù nước, nợ nhà (“rửa sạch nước thù; kẻo oan ức lòng chồng”)
+ Khởi nghĩa để đánh đuổi quân xâm lược, dựng lại cơ nghiệp của tổ tiên (“đem lại nghiệp xưa họ Hùng”).
Câu hỏi 2 trang 89 Lịch Sử lớp 6: Dựa vào lược đồ 18.2, em hãy trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Lời giải:
+ Mùa Xuân năm 40, Hai Bà Trưng nổi dậy khởi nghĩa ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội). Được đông đảo nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
+ Quân khởi nghĩa nhanh chóng làm chủ Mê Linh, sau đó hạ thành Cổ Loa, tiến đánh và làm chủ Luy Lâu (Bắc Ninh).
+ Sau khi giành thắng lợi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh.
+ Năm 42, nhà Hán sai tướng Mã Viện đem quân sang đàn áp. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng kháng cự quyết liệt trong gần 1 năm, nhưng do thế giặc mạnh, nên buộc phải rút quân về Hát Môn; Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết (năm 43); cuộc khởi nghĩa thất bại.
Câu hỏi 3 trang 89 Lịch Sử lớp 6: Tìm những cụm từ và câu thể hiện ý nghĩa của khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong tư liệu 18.3
Lời giải:
– Những cụm từ thể hiện ý nghĩa của khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong tư liệu 18.3:
+ 65 thành trì ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng.
+ việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay.
+ hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương.
Câu hỏi trang 90 Lịch Sử lớp 6: Dựa vào tư liệu 18.5 và lược đồ 18.7, em hãy:
– Nêu nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
– Trình bày những nét chính của cuộc khởi nghĩa.
Lời giải:
– Nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu: : chính sách cai trị hà khắc, bóc lột tàn bạo của nhà Ngô khiến đời sống của người Việt cực khổ => mâu thuẫn dân tộc giữa người Việt với nhà Ngô ngày càng sâu sắc => Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa để đánh đuổi quân xâm lược Ngô, giành lại quyền tự chủ của người Việt.
– Nét chính của cuộc khởi nghĩa.
+ Năm 248, từ căn cứ ở núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hoá), khởi nghĩa bùng nổ.
+ Lực lượng nghĩa quân đã đánh hạ nhiều huyện lị, thành ấp ở Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam. Quan lại nhà Ngô từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng hoặc bị giết, hoặc bỏ trốn. Cuộc khởi nghĩa khiến cho toàn thể Giao Châu đều chấn động.
+ Trước tình hình đó, nhà Ngô đã cử 8000 quân sang đàn áp. Do lực lượng quân Ngô quá mạnh, khởi nghĩa đã bị đàn áp, Bà Triệu anh dũng hi sinh tại khu vực núi Tùng (Thanh Hoá).
Câu hỏi 1 trang 91 Lịch Sử lớp 6: Em hãy nêu những đóng góp của Lý Bí và triều tiền Lý đối với lịch sử dân tộc.
Lời giải:
– Những đóng góp của Lý Bí và triều tiền Lý đối với lịch sử dân tộc:
+ Lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược Lương, giành được quyền tự chủ trong thời gian ngắn.
+ Lập triều Tiền Lý và nhà nước Vạn Xuân, chùa Khai quốc…
Câu hỏi 2 trang 91 Lịch Sử lớp 6: Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lý Bí được Quốc sử quán triều Nguyễn nhận định như thế nào qua tư liệu 18.9
Lời giải:
– Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lý Bí qua tư liệu 18.9:
+ Lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh chống quân xâm lược, tuy cuộc đấu tranh này chưa đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng đã góp phần thể hiện lòng yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc, cổ vũ các cuộc đấu tranh yêu nước của người Việt sau này.
+ Việc khởi nghĩa Lý Bí giành được quyền tự chủ trong thời gian ngắn; Lý Bí lập ra nhà nước Vạn Xuân, xưng “đế” (sáng ngang hàng với các triều đại phương Bắc” đã thể hiền lòng tự hào, tự tôn dân tộc; đồng thời là động lực cổ vũ cho các triều đại sau này của người Việt.
Câu hỏi trang 93 Lịch Sử lớp 6: Dựa vào lược đồ 18.10, em hãy trình bày những nét chính của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan
Lời giải:
– Diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan:
+ Năm 713, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Quân khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo nhanh chóng làm chủ vùng đất Hoan Châu (thuộc Nghệ An – Hà Tĩnh ngày nay).
+ Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra phạm vi cả nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
+ Quân khởi nghĩa tiến công ra Bắc, đánh đuổi chính quyền đô hộ, làm chủ Tống Bình, giải phóng đất nước. Mai Thúc Loan xưng đế, xây thành Vạn An (Nghệ An) làm quốc đô.
+ Năm 722, nhà Đường sai Dương Tư Húc đem quân sang đàn áp, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Câu hỏi 1 trang 94 Lịch Sử lớp 6: Dựa vào lược đồ 18.12, em hãy tóm tắt lại những diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng
Lời giải:
– Diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng:
+ Năm 776, Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa và nhanh chóng làm chủ vùng Đường Lâm.
+ Được nhân dân các vùng xung quanh hưởng ứng, Phùng Hưng chiếm được thành Tống Bình, tổ chức việc cai trị.
+ Sau khi Phùng Hưng qua đời, con trai ông là Phùng An nối nghiệp cha.
+ Năm 791, nhà Đường đem quân sang đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa.
Câu hỏi 2 trang 94 Lịch Sử lớp 6: Tại sao nhân dân ta gọi Phùng Hưng là Bố Cái Đại vương?
Lời giải:
– Năm 776, Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa và nhanh chóng làm chủ được Tống Bình, quét sạch quân xâm lược khỏi bờ cõi. Nhỡ công đức đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập của Phùng Hưng, sau khi ông mất, nhân dân suy tôn ông là Vua Bố Mẹ “Bố Cái Đại Vương” (“bố” có nghĩa là cha; “cái” có nghĩa là mẹ).
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập 1 trang 95 Lịch Sử lớp 6: Em hãy nêu những đóng góp chung của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời Bắc thuộc.
Lời giải:
– Những đóng góp chung của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời Bắc thuộc:
+ Chứng minh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta.
+ Cổ vũ và để lại nhiều bài học khởi nghĩa quý báu cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.
Luyện tập 2 trang 95 Lịch Sử lớp 6: Dựa vào sơ đồ 18.1, em hãy:
– Tóm tắt kết quả của các cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng đến Phùng Hưng.
– Nêu nhận xét của em về tinh thần đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta.
– Cuộc khởi nghĩa nào mà em ấn tượng nhất? Lí giải sự lựa chọn của em?
Lời giải:
– Kết quả của các cuộc khởi nghĩa:
+ Hầu hết các cuộc khởi nghĩa đều thất bại.
+ Một số cuộc khởi nghĩa giành được quyền tự chủ trong thời gian ngắn. Ví dụ: khởi nghĩa Hai Bà Trưng; khởi nghĩa Lý Bí; khởi nghĩa Phùng Hưng…
– Nhận xét tinh thần đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta:
+ Sôi nổi, bền bỉ, quyết liệt.
+ Thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và lòng căm thù giặc sâu sắc.
– Em ấn tượng nhất với khởi nghĩa Hai Bà Trưng vì: cuộc khởi nghĩa này đã mở đầu cho phong trào đấu tranh yêu nước của người Việt đồng thời thể hiện sự can đảm, mưu trí của người phụ nữ Việt Nam.
Luyện tập 3 trang 95 Lịch Sử lớp 6: Em hãy hoàn thành bảng thống kê những sự kiện chính của cuộc khởi nghĩa Lý Bí và nước Vạn Xuân theo mẫu bên cạnh.
Lời giải:
Thời gian |
Sự kiện |
Mùa xuân Năm 542 |
Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (Bắc Ninh), làm chủ thành Giao Châu. |
Mùa xuân Năm 544 |
Khởi nghĩa Thắng Lợi, Lý Bí lên ngôi vua, lấy hiệu là Lý Nam Đế. Ông Đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). |
Tháng 5/545 |
Nhà Lương cử quân sang xâm lược Vạn Xuân. |
Năm 550 |
Sau khi đánh bại quân xâm lược Lương, Triệu Quang Phục xưng vương. |
Năm 602 |
Nhà Tùy đem quân xâm lược, nhà nước Vạn Xuân sụp đổ. |
Vận dụng 4 trang 95 Lịch Sử lớp 6: Giả sử em đang học trong một ngôi trường mang tên một trong những vị anh hùng chống Bắc thuộc, hãy viết thư cho một người bạn kể về câu truyện của vị anh hùng đó.
Lời giải:
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 8 năm 2021
Thanh Lan thân mến, đã một năm kể từ ngày tớ và gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Cậu và mọi người vẫn khỏe cả chứ, tớ nhớ mọi người rất nhiều, thật buồn khi phải xa cậu và mọi người. Tớ và gia đình vẫn khỏe, mọi việc đều ổn cả.
Ngày hôm qua tớ đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường THCS Hai Bà Trưng. Cậu biết không mình rất vui khi được học ngôi trường mang tên hai vị anh hùng của dân tộc này.
Theo sách sử, thì Hai Bà Trưng là dòng dõi của người đứng đầu cai quản vùng đất Mê Linh vào thời Hùng Vương, gồm hai chị em là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lúc bấy giờ, giặc phương Bắc cai trị nước ta với chính sách tàn bạo khiến lòng dân vô cùng căm phẫn. Bất bình với chính sách cai trị hà khắc với chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ phương Bắc, mùa xuân năm 40, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã phất cờ khởi nghĩa.
Được nhân dân khắp bơi hưởng ứng, từ Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), nghĩa quân “hùng dũng như gió cuốn” đánh chiếm Mê Linh, Cổ Loa (Hà Nội) và Luy Lâu (Bắc Ninh). Thái thú Tô Định đại bại, chạy trốn về quận Nam Hải (Quảng Đông).
Khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân suy tôn Trưng Trắc lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Mùa hè năm 42, nhà Hán đem quân sang đàn áp. Năm 43, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại. Nhân dân thương tiếc, lập đền thờ hai bà ở khắp nơi.
Hai bà chính là tấm gương sáng rọi về tinh thần yêu nước và chiến đấu chống giặc anh dũng cho con cháu đời sau. Chính vì thế với mình, còn gì tuyệt vời hơn khi được học trong ngôi trường THCS mang tên hai người phụ nữ anh hùng. Mình nhất định sẽ cố gắng học hành thật chăm chỉ để xứng danh là học sinh trường, xứng với sự hi sinh to lớn của những vị anh hùng đã ngã xuống để có một nước Việt Nam xinh đẹp như ngày nay.
Thư đã dài rồi, mình dừng bút tại đây. Hi vọng cậu sau khi đọc được lá thư này sẽ hồi âm lại mình, kể cho mình nghe những điều thú vị mà cậu gặp được.
Bạn thân
Ngọc Mai