Giải bài tập Lịch sử 6 Bài 11: Giao lưu thương mại và văn hóa ở Đông Nam Á (Từ đầu công nguyên đến thế kỉ X)
Câu hỏi giữa bài
Câu hỏi 1 trang 54 Lịch Sử lớp 6: Tác động của quá trình giao lưu thương mại đến các vương quốc cổ Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X như thế nào?
Lời giải:
– Tác động của quá trình giao lưu thương mại đến các vương quốc cổ Đông Nam Á:
+ Thương nhân Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ ở Đông Nam Á, tập trung ở các cảng thị lớn của các vương quốc Phù Nam, Ca-lin-ga; Sri Vi-giay-a…
+ Thương nhân Trung Quốc mở rộng hoạt động quan hệ buôn bán với các trung tâm thương mại vùng Đông Nam Á hải đảo.
+ Các vương quốc Đông Nam Á đã đóng góp nhiều mặt hàng chủ lực trên những tuyến đường biển kết nối Á – Âu.
+ Tại Đông Nam Á đã xuất hiện nhiều thương cảng lớn, như: Lâm Ấp (ở Chăm – Pa); Pa-lem-bang (ở Si Vi-giay-a)…
Câu hỏi 2 trang 56 Lịch Sử lớp 6: Quan sát các hình từ 11.4 đến 11.7 và đọc thông tin, hãy cho biết tác động của quá trình giao lưu văn hóa đến các quốc gia Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X như thế nào?
Lời giải:
– Tác động của quá trình giao lưu văn hóa đến các vương quốc cổ Đông Nam Á:
+ Phật giáo và Hin-đu giáo du nhập vào Đông Nam Á, hòa nhập vào các tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa.
+ Cư dân nhiều nước Đông Nam Á đã tiếp thu hệ thống chữ viết của Ấn Độ để sáng tạo ra chữ viết riêng của dân tộc mình.
+ Cư dân Đông Nam Á tiếp thu văn học của người Ấn Độ và sáng tạo ra những bộ sử thi: Riêm kê (Campuchia); Ram-ma-y-a-na Ka-ka-win (In-đô-nê-xi-a).
+ Kiến trúc – điêu khắc của Đông Nam Á mang đậm dấu ấn của kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ.
Luyện tập & Vận dụng
Luyện tập trang 56 Lịch Sử lớp 6: Ghi vắn tắt nội dung theo hướng dẫn trong bảng dưới đây thể hiện sự tác động của quá trình giao lưu thương mại và văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu Công Nguyên đến thế kỉ X:
Tác động của quá trình giao lưu thương mại |
Tác động của quá trình giao lưu văn hóa |
Thương nhân Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ ở Đông Nam Á |
Phật giáo và Hin-đu giáo du nhập vào Đông Nam Á |
? |
? |
Lời giải:
Tác động của quá trình giao lưu thương mại |
Tác động của quá trình giao lưu văn hóa |
– Thương nhân Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ ở Đông Nam Á, tập trung ở các cảng thị lớn của các vương quốc Phù Nam, Ca-lin-ga… |
– Phật giáo và Hin-đu giáo du nhập vào Đông Nam Á, hòa nhập vào các tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa. |
– Thương nhân Trung Quốc mở rộng hoạt động quan hệ buôn bán với các trung tâm thương mại vùng Đông Nam Á hải đảo. |
– Cư dân nhiều nước Đông Nam Á đã tiếp thu hệ thống chữ viết của Ấn Độ để sáng tạo ra chữ viết riêng của dân tộc mình. |
– Các vương quốc Đông Nam Á đã đóng góp nhiều mặt hàng chủ lực trên những tuyến đường biển kết nối Á – Âu. |
– Cư dân Đông Nam Á tiếp thu văn học Ấn Độ và sáng tạo ra những bộ sử thi của mình. |
– Tại Đông Nam Á đã xuất hiện nhiều thương cảng lớn, như: Lâm Ấp (ở Chăm – Pa); Pa-lem-bang (ở Si Vi-giay-a)… |
+ Kiến trúc – điêu khắc của Đông Nam Á mang đậm dấu ấn của kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ. |
Vận dụng trang 56 Lịch Sử lớp 6: Trong vai hướng dẫn viên du lịch, em hãy giới thiệu về một thành tựu văn hóa đặc sắc ở Đông Nam Á (từ đầu Công Nguyên đến thế kỉ X).
Lời giải:
Giới thiệu đền Bô-rô-bua-đua – kì quan Phật giáo lớn nhất thế giới!
– Bô-rô-bua-đua là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII dưới thời kì cai trị của Vương quốc Syailendra. Bô-rô-bua-đua tọa lạc cách 42 km về phía Bắc thành phố Yogyakarta, trung tâm của đảo Java (In-đô-nê-xi-a); công trình này đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.
– “Bô-rô-bua-đua” trong tiếng In-đô-nê-xi-a có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Toàn bộ tòa tháp do 300 nghìn viên đá xếp thành, được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng khoảng 2500 m², theo mô hình của một Mạn-đà-la, tức là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa.
– Đền Bô-rô-bua-đua cao khoảng 42 m, bao gồm 9 tầng chồng lên nhau, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới.
+ Lớp chân đế (gồm 2 tầng dưới cùng) có bình đồ hình vuông, bốn cạnh hướng về bốn hướng. Đây là lớp phản ánh Dục Giới, bao gồm 160 mảng phù điêu mô tả hoạt cảnh của cuộc sống trần tục, những hoạt động trong đời sống hàng ngày, cũng như dục vọng tầm thường của chúng sinh trong tam giới.
+ Lớp thứ hai (gồm 4 tầng ở giữa) cũng có bình đồ hình vuông, với các hành lang thông nhau tứ phía. Dọc các hành lang ấy là 1,300 mảng điêu khắc nối tiếp nhau mô tả các tích truyện về cuộc sống của con người và tu sĩ, sự tích Đức Phật… Ngoài ra, bốn tầng giữa của Bô-rô-bu-đua còn có 1212 mảng điêu khắc trang trí vô cùng tinh tế với các hoa văn mang dấu ấn bản địa, khiến du khách không khỏi mê mẩn và choáng ngợp khi dạo bước quanh những hành lang đá xám của ngôi đền đồ sộ này.
+ Lớp cuối gồm 3 tầng trên cùng – là lớp Vô Sắc Giới được thể hiện bằng 3 vòng tròn đồng tâm, mang ý nghĩa nơi đây không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Theo Phật Giáo, đây là cõi Niết Bàn, cảnh giới cao nhất của sự tu luyện. Ở mỗi tầng thuộc lớp Vô Sắc Giới có 92 tôn tượng Phật được đặt trong những bảo tháp và trong mỗi tôn tượng này đều có thủ ấn (Mudra) cho biết tôn tượng này thuộc về hướng nào (hướng đông với thủ ấn của trái đất kêu gọi làm chứng, phía nam với thủ ấn phước lành, phía tây với thủ ấn của thiền định, phía bắc với thủ ấn của sự can đảm).
– Sau khi vương triều Phật giáo Syailendra sụp đổ, Bô-rô-bu-đua đã bị bỏ hoang và lãng quên trong suốt hơn 10 thế kỷ. Mãi đến sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc (năm 1945), Cộng hòa In-đô-nê-xi-a mới ý thức được tầm quan trọng của Bô-rô-bu-đua liền mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu, đồng thời yêu cầu UNESCO giúp sức để trùng tu. Một chương trình cấp thời vào năm 1948 do Liên Hiệp Quốc đưa ra đã giúp cho Bô-rô-bu-đua thoát khỏi cảnh hoang tàn và quên lãng. Tiếp theo là một chương trình trùng tu rộng lớn hơn kéo dài từ 1970 đến 1982 do UNESCO đảm trách với sự hợp tác của 27 quốc gia trên thế giới đã hồi phục cho Bô-rô-bu-đua.
– Ngày nay, Bô-rô-bu-đua là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch nhất tại In-đô-nê-xi-a. Bô-rô-bu-đua không chỉ là một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của In-đô-nê-xi-a mà còn là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại của Phật giáo và của cả nhân loại.
Bài giảng Lịch sử 6 Bài 11: Giao lưu thương mại và văn hóa ở Đông Nam Á (Từ đầu công nguyên đến thế kỉ X) – Cánh diều