Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
Phần 1: Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
Câu 1. MERCOSUR là tên viết tắt của tổ chức và liên kết thương mại nào sau đây?
A. Liên minh châu Âu.
B. Khối thị trường chung Nam Mỹ.
C. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
D. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Đáp án: B
Giải thích: Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức và liên kết thương mại đã ra đời như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định thương mại Hoa Kỳ – Mê-hi-cô – Ca-na-đa (USMCA), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),… Các tổ chức này đã góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hoá kinh tế và phát triển thương mại trên thế giới.
Câu 2. Thành tựu khoa học – công nghệ nào sau đây không được ứng dụng trong ngành tài chính – ngân hàng?
A. Trí tuệ nhân tạo.
B. Công nghệ chuỗi khối.
C. Năng lượng nhiệt hạch.
D. Tư vấn tự động.
Đáp án: C
Giải thích: Các thành tựu khoa học – công nghệ ngày càng ứng dụng mạnh mẽ trong nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, như trí tuệ nhân tạo (AI), tư vấn tự động (Chatbot), công nghệ chuỗi khối (Blockchain),…
Câu 3. Phát biểu nào sau đây đúng với ngoại thương?
A. Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hoá, dịch vụ trong một nước.
B. Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân trong xã hội.
C. Góp phần làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
D. Góp phần đẩy mạnh chuyên môn hoá sản xuất theo vùng.
Đáp án: C
Giải thích: Ngoại thương là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, khai thác được các lợi thế bên trong và tạo động lực phát triển kinh tế.
Câu 4. Khách hàng lựa chọn dịch vụ tài chính ngân hàng dựa vào
A. tính thuận tiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ.
B. tính thân thiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ.
C. các nguồn tài sản, doanh thu, đối tượng phục vụ.
D. việc đánh giá trước, trong, sau khi sử dụng dịch vụ.
Đáp án: A
Giải thích: Khách hàng lựa chọn dịch vụ tài chính ngân hàng dựa vào tính thuận tiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ. Chất lượng sản phẩm thường chỉ có thể được đánh giá trong và sau khi sử dụng dịch vụ.
Câu 5. Vai trò của thương mại đối với đời sống người dân là
A. thay đổi thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng.
B. thay đổi cả về số lượng và chất lượng sản xuất.
C. thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ.
D. thúc đẩy hình thành các ngành chuyên môn hoá.
Đáp án: A
Giải thích: Vai trò của thương mại đối với đời sống người dân là hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới và thay đổi thị hiếu tiêu dùng.
Câu 6. Nguyên nhân nào sau đây làm cho thông qua hoạt động nhập khẩu, nền kinh tế trong nước tìm được động lực phát triển mạnh mẽ?
A. Hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu.
B. Ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân.
C. Nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.
D. Nền sản xuất trong nước đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng.
Đáp án: A
Giải thích: Nguyên nhân làm cho thông qua hoạt động nhập khẩu, nền kinh tế trong nước tìm được động lực phát triển mạnh mẽ là việc hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu -> Tạo ra sản phẩm mới, chất lượng và giá trị, đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường.
Câu 7. Phát biểu nào sau đây không đúng với tác động của hoạt động xuất khẩu tới sự phát triển nền kinh tế trong nước?
A. Ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân.
B. Nền sản xuất trong nước đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng.
C. Hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu.
D. Nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.
Đáp án: C
Giải thích: Tác động của hoạt động xuất khẩu tới sự phát triển nền kinh tế trong nước là làm cho nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, nguồn ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, sản xuất và sản phẩm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, đảm bảo chất lượng đối với những thị trường khó tính.
Câu 8. Phát biểu nào sau đây không đúng với vai trò của ngành thương mại?
A. Góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá.
B. Đảm bảo cho đời sống diễn ra thông suốt.
C. Giúp khai thác hiệu quả các điểm lợi thế.
D. Điều tiết và hướng dẫn người tiêu dùng.
Đáp án: B
Giải thích:
Một số vai trò chủ yếu của ngành thương mại
– Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.
– Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
– Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.
– Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
Câu 9. Hoạt động ngoại thương gắn liền với
A. các hoạt động nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
B. mua bán và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
C. xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
D. các hoạt động xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ.
Đáp án: C
Giải thích: Hoạt động ngoại thương gắn liền với xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Quan hệ so sánh giữa trị giá hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu gọi là cán cân xuất nhập khẩu.
Câu 10. Sản phẩm chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới hiện nay là
A. các sản phẩm thô, chưa qua tinh chế.
B. thực phẩm và hàng linh kiện điện tử.
C. mặt hàng nông sản, nguyên vật liệu.
D. công nghiệp chế biến và dầu mỏ.
Đáp án: D
Giải thích: Cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới có những thay đổi rõ rệt, chiếm tỉ trọng ngày càng cao là các sản phẩm của công nghiệp chế biến và dầu mỏ; các mặt hàng nông sản, nguyên vật liệu, sản phẩm thô chiếm tỉ trọng thấp hơn.
Câu 11. Sản phẩm tài chính ngân hàng thường được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt chủ yếu là do nguyên nhân nào sau đây?
A. Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất và phí dịch vụ cao.
B. Một lĩnh vực rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng.
C. Tính rủi ro cao và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống.
D. Gồm hai bộ phận khăng khít với nhau, khó tách rời nhau.
Đáp án: C
Giải thích: Do tính rủi ro cao và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống nên sản phẩm tài chính ngân hàng thường được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt.
Câu 12. Sự phân bố các cơ sở giao dịch tài chính, ngân hàng thường gắn với
A. các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá.
B. các trung tâm kinh tế, dịch vụ, du lịch.
C. các khu kinh tế, chính trị và thủ đô lớn.
D. các trung tâm du lịch, văn hóa, giáo dục.
Đáp án: A
Giải thích: Sự phân bố các cơ sở giao dịch tài chính, ngân hàng thường gắn với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Câu 13. Nhân tố nào sau đây ảnh hưởng đến sự lựa chọn địa điểm hoạt động của các cơ sở giao dịch tài chính – ngân hàng?
A. Vị trí địa lí.
B. Chính sách.
C. Cơ sở hạ tầng.
D. Mức sống.
Đáp án: A
Giải thích: Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự lựa chọn địa điểm hoạt động của các cơ sở giao dịch tài chính – ngân hàng.
Câu 14. Tài chính liên quan đến vấn đề
A. thanh toán.
B. dịch vụ.
C. giao dịch.
D. tiền tệ.
Đáp án: D
Giải thích: Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng. Tài chính liên quan đến vấn đề tiền tệ, còn ngân hàng liên quan đến việc thực hiện các giao dịch tài chính nhằm thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.
Câu 15. Các thành tựu khoa học – công nghệ nào sau đây được ứng dụng rộng rãi trong ngành tài chính – ngân hàng?
A. Công nghệ chuỗi khối, sửa chữa gen và khôi phục gen cổ.
B. Trí tuệ nhân tạo, tư vấn tự động và công nghệ chuỗi khối.
C. Khôi phục gen, tư vấn tự động và năng lượng nhiệt hạch.
D. Tư vấn tự động, năng lượng nhiệt hạch, kháng thể nhân tạo.
Đáp án: B
Giải thích: Các thành tựu khoa học – công nghệ ngày càng ứng dụng mạnh mẽ trong nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, như trí tuệ nhân tạo (AI), tư vấn tự động (Chatbot), công nghệ chuỗi khối (Blockchain),…
Phần 2: Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
I. Thương mại
1. Khái niệm, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố thương mại
Hoạt động thương mại (minh họa)
a. Khái niệm
Thương mại là khâu tất yếu của quá trình sản xuất, được coi là mạch máu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng về nhiều mặt.
b. Vai trò
– Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.
– Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
– Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.
– Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
c. Đặc điểm
– Hoạt động theo quy luật cung, cầu; gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, cầu của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
– Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).
– Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.
d. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố thương mại
– Trình độ phát triển kinh tế, các ngành sản xuất vật chất tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
– Đặc điểm dân số, trong đó số dân và nguồn lao động, cơ cấu dân số, sự phân bố dân cư và mạng lưới điểm quần cư, phong tục tập quán,… ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nội thương, đến việc tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cần nhiều lao động.
– Khoa học – công nghệ và chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu thương mại, mở rộng hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, hình thành nhiều loại hình và phương thức hoạt động mới (thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại…).
– Nhân tố khác: Các nhân tố cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn,… cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và phân bố của thương mại.
2. Tình hình phát triển và phân bố
a. Nội thương
– Khái niệm: là hoạt động thương mại diễn ra bên trong phạm vi của một quốc gia.
– Vai trò:
+ Là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, tạo ra thị trường thống nhất trong nước và đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng.
+ Đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống, lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong nước được thông suốt.
– Thước đo sự phát triển: chỉ tiêu Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
– Phân bố
+ Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại.
+ Hệ thống bán buôn, bán lẻ phát triển nhanh trên toàn thế giới, nhiều tập đoàn thương mại và siêu thị lớn đã có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
+ Xã hội văn minh, hiện đại, con người có xu hướng mua sắm hàng hoá ở các siêu thị, trung tâm thương mại và mua bán online.
Hoạt động mua bán trong siêu thị
b. Ngoại thương
– Khái niệm: là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ.
– Đặc điểm:
+ Gắn liền với xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
+ Cán cân xuất nhập khẩu là quan hệ so sánh giữa trị giá hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu.
– Tình hình phát triển:
+ Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập làm cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và gia tăng nhanh chóng.
+ Cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới có những thay đổi rõ rệt.
– Phân bố:
+ Các khu vực có đóng góp lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá là Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á,…
+ Các quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc,…
+ Những nước xuất siêu là Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc,…; những nước nhập siêu là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản,…
II. Tài chính ngân hàng
1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố tài chính ngân hàng
a. Vai trò
– Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu khác nhau của sản xuất và đời sống.
– Tạo cơ hội cho nhà sản xuất và người dân thanh khoản trên thị trường, duy trì nguồn cung tài chính thông qua việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ.
– Điều tiết và ổn định nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.
– Góp phần hình thành quan hệ tích luỹ và tiêu dùng hợp lí.
b. Đặc điểm
– Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng.
– Các tổ chức tài chính và các ngân hàng có quy mô khác nhau dựa trên tài sản, doanh thu và đối tượng phục vụ.
– Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất, phí dịch vụ quyết định tới việc lựa chọn các tổ chức tài chính và các ngân hàng của người tiêu dùng.
c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành tài chính ngân hàng
– Sự phát triển của nền kinh tế: kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu,…
– Khoa học – công nghệ, mức thu nhập của dân cư,… cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của tài chính ngân hàng.
– Chính sách tài chính ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả của ngành.
2. Tình hình phát triển và phân bố
– Hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng sôi động, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng được thành lập trên thế giới và ở mỗi quốc gia.
– Các trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là Niu Y-oóc, Luân-đôn, Tô-ky-ô, Thượng Hải, Bắc Kinh, Xin-ga-po, Phran-phuốc, Zu-rich,…
III. Du lịch
1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố du lịch
Hoạt động du lịch (minh họa)
a. Vai trò
– Kích thích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia và địa phương.
– Tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, phục hồi sức khoẻ; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia.
– Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí và hiệu quả tài nguyên; bảo vệ, khôi phục và tôn tạo môi trường (tự nhiên và nhân văn).
b. Đặc điểm
– Hoạt động du lịch thường gắn với tài nguyên du lịch, khách du lịch phải đến nơi có tài nguyên du lịch nhờ các dịch vụ du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình.
– Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng và phong phú, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi,..
– Hoạt động du lịch thường có tính mùa vụ.
c. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố du lịch
– Tài nguyên du lịch là điều kiện cần thiết để phát triển và phân bố du lịch, là nhân tố cơ bản tạo nên các sản phẩm du lịch, thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.
– Thị trường khách du lịch ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển du lịch, tới cơ cấu các sản phẩm du lịch và doanh thu của ngành du lịch.
– Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch ảnh hưởng tới hoạt động du lịch, tới khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
– Các nhân tố kinh tế – xã hội khác như khoa học công nghệ, chính sách phát triển du lịch, điều kiện chính trị và an toàn xã hội,… cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố du lịch.
2. Tình hình phát triển và phân bố du lịch
– Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” và có đóng góp quan trọng vào GDP của nhiều quốc gia.
– Bước sang thế kỉ XXI, lượng khách du lịch quốc tế tăng lên không ngừng.
– Doanh thu từ du lịch cũng ngày càng lớn.
– Các hình thức du lịch ngày càng phong phú, từ truyền thống đến các hình thức mới.
– Các tuyến, tour và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng.
– Những nước đứng hàng đầu thế giới về số lượt khách và doanh thu du lịch là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,…
Một góc quang cảnh thành phố Pa-ri
Xem thêm các bài trắc nghiệm Địa lí 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 26: Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ
Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 27: Địa lí ngành giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 30: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh