Giải bài tập GDCD 9 Bài 7: Thích ứng với thay đổi
Mở đầu
Mở đầu trang 38 Bài 7 GDCD 9: Em hãy quan sát các hình ảnh sau và cho biết những thay đổi nào đã xảy ra đối với các nhân vật và hậu quả của những thay đổi đó.
Trả lời:
– Tranh số 1:
+ Thay đổi xảy đến với nhân vật là: tai nạn, khiến sức khỏe bị giảm sút
+ Hậu quả: bạn nam bị chấn thương nên không thể tiếp tục học môn điền kinh.
– Tranh số 2:
+ Thay đổi xảy đến với nhân vật là: mất mát người thân.
+ Hậu quả: mọi người trong gia đình đều cảm thấy đau buồn.
1. Em hãy đọc câu chuyện và các trường hợp sau để trả lời câu hỏi
Khám phá trang 39 GDCD 9: Em hãy đọc câu chuyện và các trường hợp sau để trả lời câu hỏi
ÔI, SAO TAY KÝ LẠI THẾ NÀY! Mẹ tôi kể lại, mấy hôm tôi ốm nằm liệt giường, ngày nào Bằng cũng đến lấp ló ngoài cửa sổ. Nó đứng thu lu ở đấy một lúc rồi lặng lẽ quay về. Chắc Bằng buồn lắm. Hôm nay thấy tôi ra ngõ chơi được, Bằng mừng quá. Nó vừa chay đến chỗ tôi vừa gọi: – Ký ơi, ra sân đình đánh đáo với tớ đi. Tôi chưa kịp nói gì thì Bằng đã ôm chầm lấy tôi. Nó cầm tay tôi định kéo đi. Bỗng nét mặt nó biến sắc. Nó chằm chằm nhìn vào tôi, hốt hoảng thốt lên: – Ôi, sao tay Ký lại thế này? – Chẳng biết nữa. Tôi trả lời gọn mấy tiếng như vậy. Bọn trẻ chơi quanh đó thấy lạ liền ùa đến. Đứa sờ, đứa mó, có đứa tinh nghịch giật tay tôi một cái rồi bỏ chạy kêu lên: – A, Ký què rồi chúng mày ạ. Ký què … Ký què. Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn xuống đôi tay buông thõng của mình, mặc cho hai dòng lệ ứa trào từ lúc nào. Thế là từ nay hai tiếng “thằng què” sẽ là cái biệt danh của tôi ư? Sao có chuyện kì lạ thế này nhỉ? Mới cách đây mấy ngày thôi, đôi tay của tôi vẫn còn nguyên vẹn kia mà! (Nguyễn Ngọc Ký, 2022, Tôi đi học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 11 – 12) Trường hợp 1. Bạn K có mẹ làm công nhân và bố làm kĩ sư. Trong khi làm việc, không may mẹ của bạn K bị tai nạn lao động phải năm viện sáu tháng. Thời gian đầu, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Bố bạn K phải xin nghỉ việc không lương để vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Bạn K phải thay bố mẹ quán xuyến công việc gia đình. Trường hợp 2. Lên cấp hai, bố bạn C làm ăn bị phá sản. Bạn C chia sẻ: “Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trước kia, mình không bao giờ nghĩ đến việc bố bị phá sản, phải bán nhà. Đến khi có chuyện, mẹ và mình đã rất lo lắng”. |
Theo em, có những thay đổi nào đã xảy ra với các nhân vật trong câu chuyện và các trường hợp trên?
Trả lời:
Có nhiều thay đổi đã xảy ra với các nhân vật trong câu truyện và các trường hợp trên:
– Trong câu chuyện: sau cơn bạo bệnh, Nguyễn Ngọc Ký đã bị liệt cả 2 tay.
– Trong trường hợp 1: mẹ bạn K bị tai nạn lao động; Bố bạn K phải xin nghỉ việc không lương để vào bệnh viện chăm sóc mẹ
– Trong trường hợp 2: bố bạn C làm ăn bị phá sản, phải bán nhà.
Khám phá trang 39 GDCD 9: Em hãy đọc câu chuyện và các trường hợp sau để trả lời câu hỏi
ÔI, SAO TAY KÝ LẠI THẾ NÀY! Mẹ tôi kể lại, mấy hôm tôi ốm nằm liệt giường, ngày nào Bằng cũng đến lấp ló ngoài cửa sổ. Nó đứng thu lu ở đấy một lúc rồi lặng lẽ quay về. Chắc Bằng buồn lắm. Hôm nay thấy tôi ra ngõ chơi được, Bằng mừng quá. Nó vừa chay đến chỗ tôi vừa gọi: – Ký ơi, ra sân đình đánh đáo với tớ đi. Tôi chưa kịp nói gì thì Bằng đã ôm chầm lấy tôi. Nó cầm tay tôi định kéo đi. Bỗng nét mặt nó biến sắc. Nó chằm chằm nhìn vào tôi, hốt hoảng thốt lên: – Ôi, sao tay Ký lại thế này? – Chẳng biết nữa. Tôi trả lời gọn mấy tiếng như vậy. Bọn trẻ chơi quanh đó thấy lạ liền ùa đến. Đứa sờ, đứa mó, có đứa tinh nghịch giật tay tôi một cái rồi bỏ chạy kêu lên: – A, Ký què rồi chúng mày ạ. Ký què … Ký què. Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn xuống đôi tay buông thõng của mình, mặc cho hai dòng lệ ứa trào từ lúc nào. Thế là từ nay hai tiếng “thằng què” sẽ là cái biệt danh của tôi ư? Sao có chuyện kì lạ thế này nhỉ? Mới cách đây mấy ngày thôi, đôi tay của tôi vẫn còn nguyên vẹn kia mà! (Nguyễn Ngọc Ký, 2022, Tôi đi học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 11 – 12) Trường hợp 1. Bạn K có mẹ làm công nhân và bố làm kĩ sư. Trong khi làm việc, không may mẹ của bạn K bị tai nạn lao động phải năm viện sáu tháng. Thời gian đầu, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Bố bạn K phải xin nghỉ việc không lương để vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Bạn K phải thay bố mẹ quán xuyến công việc gia đình. Trường hợp 2. Lên cấp hai, bố bạn C làm ăn bị phá sản. Bạn C chia sẻ: “Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trước kia, mình không bao giờ nghĩ đến việc bố bị phá sản, phải bán nhà. Đến khi có chuyện, mẹ và mình đã rất lo lắng”. |
Những thay đổi đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ?
Trả lời:
Những thay đổi trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các nhân vật:
– Trong câu chuyện: Nguyễn Ngọc Ký đã bị liệt cả 2 tay; mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật bị đảo lộn; bên cạnh đó, Ký còn bị bạn bè kì kì, chế giễu
– Trong trường hợp 1: sức khỏe của mẹ bạn K sụt giảm; thu nhập của gia đình cũng giảm sút (do mẹ nằm viện; bố phải nghỉ việc không lương để chăm sóc mẹ); bạn K phải thay mẹ quán xuyến công việc gia đình.
– Trong trường hợp 2: thu nhập của gia đình bạn C sụt giảm nghiêm trọng (do bố C làm ăn thua lỗ, bị phá sản, phải bán nhà); cả gia đình C đều rơi vào tâm trạng buồn bã, lo lắng.
2. Em hãy đọc nội dung sau và trả lời câu hỏi
Khám phá trang 40 GDCD 9: Em hãy đọc nội dung sau và trả lời câu hỏi
Anh B đã làm gì để thích ứng với sự thay đổi của bản thân?
Trả lời:
Để thích ứng với sự thay đổi của bản thân, anh B đã:
– Chấp nhận thay đổi là tất yếu: Sau khi được bác sĩ kết luận gãy xương chân phải bắt vít sẽ không thể chạy điển kinh được nữa, anh B rất buồn và thất vọng. Bao nhiêu dự định của anh vẫn còn dang dở. Tuy nhiên, anh B tự nhủ rằng: “Có buồn hay thất vọng thì chân mình cũng đã gãy rồi. Mình không có cách nào ngoài việc đối diện với sự thật và vượt qua nó”.
– Giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh: Khi bị ngã xe, anh B thấy chân trái của mình sưng tấy và đau nhức rất nhiều. Ngay lúc đó, anh cố gắng trấn an bản thân, nhờ người đi đường dìu lên vỉa hè để gọi điện thoại cho người bạn thân. Trong lúc chờ bạn đến đưa đi bệnh viện, anh B đã tìm cách cố định chân và hít thở sâu để giữ bình tĩnh.
– Chủ động tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực: Sau khi xuất viện, anh B tìm hiểu thông tin để chuyển ngành học. Nhận thấy bản thân có khả năng tin học khá tốt, ngành học phù hợp với tình hình sức khoẻ và có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường nên anh B đã chuyển sang học công nghệ thông tin. Dần dần, anh B đã yêu thích ngành học này hơn.
Khám phá trang 40 GDCD 9: Em hãy đọc nội dung sau và trả lời câu hỏi
Để thích ứng với sự thay đổi, cần rèn luyện những kĩ năng nào?
Trả lời:
Để thích ứng với sự thay đổi, em cần rèn luyện những kĩ năng sau:
– Chấp nhận thay đổi là tất yếu. Vì: cho dù có chấp nhận hay không thì sự thay đổi cũng diễn ra; chấp nhận là điều kiện tiên quyết để có thể đối diện và thích ứng với thay đổi. Đối với những sự thay đổi quá lớn, có thể cần nhiều thời gian để chấp nhận và đối diện.
– Giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Vì: chỉ khi bình tĩnh, chúng ta mới sáng suốt để giải quyết vấn đề. Khi sự việc, biến cố xảy ra, cần lắng nghe, tìm hiểu để có đầy đủ thông tin trước khi phản ứng; hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh và ở bên cạnh người thân hoặc người mà mình tin tưởng để có thêm sức mạnh khi phải đối diện với sự thay đổi.
– Chủ động tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Vì: luôn có nhiều cách giải quyết cho một vấn đề; cần suy nghĩ, đề ra nhiều phương án khác nhau và cân nhắc để lựa chọn phương án tích cực, khả thi nhất. Bản thân cần chủ động giải quyết trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn.
Khám phá trang 41 GDCD 9: Em hãy quan sát các hình ảnh sau để tư vấn cách thích ứng với thay đổi phù hợp cho các nhân vật
Trả lời:
– Tranh số 1: Để vượt qua nỗi buồn, bạn học sinh nữ có thể thực hiện một số biện pháp sau:
+ Chấp nhận sự thật về tình trạng sức khỏe của ông nội và chuẩn bị tâm lí cho trường hợp xấu nhất là ông nội sẽ qua đời.
+ Nên chia sẻ, tâm sự cùng người thân, bạn bè. Hoặc có thể bộc lộ tình cảm của mình với ông nội thông qua các hoạt động như: vẽ tranh, viết nhật kí, sáng tác thơ, truyện ngắn,…
+ Hãy nhớ về những khoảnh khắc đẹp mà mình đã trải qua cùng ông nội. Giữ lấy những kỷ niệm ấy sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi và an ủi hơn.
+ Thử tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền, đi dạo,…. Các hoạt động này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt đau đớn.
– Tranh số 2: Trong trường hợp này, bạn học sinh nam nên:
+ Trao đổi và xin lỗi bố mẹ vì sự bất cẩn của bản thân.
+ Đề xuất một số phương án giải quyết, ví dụ như: mong muốn bố mẹ hỗ trợ một phần tài chính để mua máy vi tính; phần còn lại, bạn có thể mượn trước bố mẹ (sau đó có thể tìm cách tăng thêm thu nhập để hoàn trả lại bố mẹ số tiền đã mượn. Một số việc làm tăng thêm thu nhập phù hợp với lứa tuổi học sinh, như: sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hand made; làm cộng tác viên viết bài cho các tờ báo, tạp chí học tập,…)
+ Rút kinh nghiệm để tránh lặp lại lỗi sai trong tương lai.
Luyện tập 1 trang 41 GDCD 9: Em đồng tình hay không đồng tình với cách thích ứng với sự thay đổi nào dưới đây? Vì sao?
a) Bạn M luôn nhờ đến sự giúp đỡ của người khác khi bố hoặc mẹ bị ốm nặng.
b) Bạn A thích đọc sách về các danh nhân để tìm hiểu và học hỏi từ họ, nhất là cách họ đối diện với thất bại.
c) Bạn Y hay suy nghĩ theo hướng tiêu cực khi đối diện với khó khăn.
d) Bạn B luôn tự mình giải quyết mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Trả lời:
– Trường hợp a) Không đồng tình, vì: Khi sự việc, biến cố xảy ra, bản thân cần chủ động giải quyết trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn.
– Trường hợp b) Đồng tình, vì: thông qua việc đọc sách về các danh nhân, bạn A có thể học hỏi được từ họ các kĩ năng, kinh nghiệm đối diện với thất bại.
– Trường hợp c) Không đồng tình, vì: luôn có nhiều cách giải quyết cho một vấn đề; Do đó, khi sự việc, biến cố xảy ra, chúng ta cần suy nghĩ tích cực, đề ra nhiều phương án khác nhau và cân nhắc để lựa chọn phương án tích cực, khả thi nhất.
– Trường hợp d) Không đồng tình, vì: trong quá trình giải quyết các biến cố, chúng ta có thể tham khảo ý kiến/ lời khuyên hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn.
Luyện tập 2 trang 42 GDCD 9: Em hãy quan sát hình ảnh dưới đây để xây dựng bài thuyết trình về sự thích ứng và ý nghĩa của việc thích ứng với sự thay đổi trong cuộc sống.
Trả lời:
(*) Bài thuyết trình tham khảo
Thế giới không ngừng vận hành thay đổi mỗi ngày và con người chúng ta cũng vậy. Khi đứng trước cùng một vấn đề, mỗi người lại chọn cho mình một cách ứng xử, xử lý khác nhau, nên thay đổi thế giới hay là thay đổi bản thân mình, đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi chạm vào vấn đề của cuộc sống, là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng bất cứ ai. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rằng, hoàn cảnh sinh ra là để thử thách con người ta, thay đổi bản thân, thay đổi quan niệm của mình để phù hợp với hoàn cảnh mới là điều làm cho chúng ta khác biệt và tốt đẹp hơn.
Cuộc sống là bức tranh tổng hòa của muôn vàn màu sắc, hình dạng, và chúng ta là một một màu sắc, một hình thái trong bức tranh đó. Vì thế của chúng ta trong bức tranh đó chỉ là một chấm nhỏ xíu và ai cũng mong tạo được một dấu ấn thật đậm nét của riêng mình. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm được điều đó, bởi để làm được, ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt ở bản thân mình. Bởi hoàn cảnh có thể giống nhau, nhưng cách giải quyết của mỗi người lại khác nhau và cách giải quyết, xử lý tình huống ấy chính là một cách để chúng ta tạo nên dấu ấn của riêng mình. Nếu hiện tại bạn đang băn khoăn tự hỏi, như thế nào là thay đổi, khái niệm của thay đổi là gì thì hãy cùng nhau tìm hiểu điều này nhé!
Thay đổi trong tiếng Anh được gọi là Change có nghĩa là một hiện tượng, một quá trình nào đó không lặp lại hiện tượng hay quá trình trước đấy, là đổi mới, khác biệt. Như trong chúng ta, mỗi tế bào luôn được thay mới mỗi ngày, đó là một sự thay đổi, tuy rằng chúng ta không thể nhìn thấy nhưng chúng luôn vận hành để duy trì cơ thể chúng ta. Thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh tức là mỗi con người chúng ta phải luôn đổi mới để phù hợp với môi trường sống, điều kiện sống, để phát triển tốt hơn, để hoàn thiện bản thân mình và sau cùng là để cuộc sống của chúng ta thêm phần tốt đẹp hơn. Có thể nói, khái niệm thay đổi có lẽ không còn quá xa lạ, thế nhưng, việc thực hiện thay đổi, hiểu được tầm quan trọng của việc thay đổi bản thân thì không phải ai cũng làm được.
Cuộc sống là sự biến chuyển mỗi ngày, ngày hôm nay khác ngày hôm qua và khác những ngày sau đó. Chúng ta không thể áp dụng một cách xử lý lặp lại liên tục giống nhau mà mong chờ những kết quả khác nhau, lần sau tốt hơn lần trước được. Để thích nghi trong cuộc sống này, hãy biến đổi bản thân sao cho phù hợp với hoàn cảnh của chính mình! Thay đổi giúp con người ta trở nên chủ động trong hoàn cảnh, tiến bộ hơn nhờ những đổi mới trong cách sống, trong suy nghĩ, tạo nên những giá trị tích cực hơn trong cuộc sống. Có thể bạn cho rằng, chỉ đơn giản lặp lại những việc làm như trước, mỗi ngày đều trải qua như vậy là được thì liệu cuộc sống của bạn có phong phú, có tươi đẹp như bạn mong muốn hay không? Hay là bạn sẽ phải trải qua những tháng ngày đơn điệu, mòn mỏi và vô ý nghĩa, sống một kiếp “đời thừa”? Có câu danh ngôn nước ngoài nói rằng: “Có những người chết ở tuổi hai mươi bảy nhưng đến năm bảy mươi tuổi mới được đem chôn”, bạn có hiểu ý nghĩa của câu nói này không? Cuộc sống luôn thay đổi, vậy nên con người cũng phải thay đổi linh hoạt để thích nghi với cuộc sống, nếu cứ quẩn quanh, sống một cuộc đời nhàm chán thì bạn đã “sống mòn” rồi, chỉ là thân xác còn tồn tại mà thôi. Nếu như bạn rơi vào hoàn cảnh bế tắc, liệu bó gối ngồi khóc lóc có giúp bạn cải thiện được tình hình, có làm hoàn cảnh khác đi chăng? Không, không có một điều gì thay đổi nếu như chính bạn không đứng lên mà đổi thay nó.
Cuộc sống là một quá trình, một con đường đầy những chông gai, thế nhưng không phải ai cũng bước được tới đích, chạm được đỉnh vinh quang. Hoàn cảnh có thể được định sẵn, thế nhưng bản thân bạn như thế nào, bạn mới là người hiểu rõ nhất, nên hay không nên thay đổi bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh! Người ta nói rằng khi Thượng Đế đóng lại một cánh cửa thì Người sẽ mở ra một cách cửa khác, thế nên khi việc gì đó xảy đến, đó chỉ là bước khởi đầu, là thử thách cho lòng can đảm và nỗ lực của chúng ta. Mọi nỗ lực bạn làm hôm nay đều sẽ đem lại quả ngọt vào ngày sau đó, dành thời gian để phàn nàn về hoàn cảnh, chi bằng hãy dành thời gian để nỗ lực làm việc và học tập nhiều hơn. Hạnh phúc, trái ngọt chỉ đến khi ta ngừng việc dậm chân, than vãn cuộc đời, hãy tạo nên khác biệt bằng sự thay đổi của mình đừng để ngày sau là một ngày tiếc nuối về đã không làm điều xứng đáng. Thế nhưng, không ít những người khi gặp nghịch cảnh, điều đầu tiên họ nghĩ tới là thay đổi hoàn cảnh, mong muốn có được hoàn cảnh tốt hơn, chứ không phải là sự thay đổi bản thân mình để phù hợp với hoàn cảnh đó. Họ không hề biết rằng, hòa mình vào thế giới, thay đổi quan niệm của mình, tìm ra sức mạnh nội tại của bản thân mới là cách thức hoàn hảo cho việc thay đổi cuộc đời mình. Quả là vậy, thay đổi bản thân, liên kết với tập thể là cách thức để chúng ta nhận lại những điều kì diệu trong cuộc sống. Vậy nên, đừng lo lắng tìm cách thay đổi thế giới mà hãy tìm cách để bản thân mình phù hợp với thế giới đó.
Muốn thay đổi bản thân cho phù hợp với thế giới, hãy bắt đầu thay đổi từ những việc làm, thói quen nhỏ nhất, thay đổi từ lượng cho đến chất để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mình ở hoàn cảnh hiện tại. Thay đổi về chất là cách thức thay đổi về tư duy, về suy nghĩ, thay đổi những thói quen trong cuộc sống hàng ngày để tạo nên những thay đổi tích cực hơn của bản thân. Nếu bạn còn băn khoăn về cách thức thay đổi bản thân mình thì hãy nhận định về hoàn cảnh xung quanh bạn trước khi quyết định thay đổi bản thân. Bởi sự thay đổi bản thân của bạn phải phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố xung quanh.
Marth Washington đã từng nói rằng: “Phần lớn hạnh phúc và đau khổ của chúng ta phụ thuộc vào các định hướng chứ không phải hoàn cảnh”, hoàn cảnh chỉ là điều kiện để chứng tỏ năng lực của chúng ta mà thôi. Hãy nhìn ra thế giới xem, hãy nhìn vào tấm gương của Stephen Hawking – người đã đặt nền móng cho khoa học vũ trụ, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng nhất. Chúng ta không thể nói rằng Hawking có một hoàn cảnh thật tốt để tạo nên một cá nhân xuất sắc đến như thế. Bởi cuộc đời của Hawking là một chuỗi những sóng gió bất ngờ. Năm hai mươi mốt tuổi, ở cái tuổi có bao hoài bão và ước mơ thì ông bị chẩn đoán chỉ còn có thể sống được hai năm nữa, sức khỏe của ông bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu đặt chúng ta vào hoàn cảnh đó, khi được chẩn đoán chỉ còn có thể sống được thêm hai năm, chúng ta sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ gào khóc, bất lực, tuyệt vọng hay thậm chí nản lòng mà suy nghĩ đến những điều tiêu cực chăng? Phải là một người bình thường, chắc hẳn ai cũng sẽ rơi vào trầm cảm như thế. Và Hawking cũng chẳng phải ngoại lệ, ông rơi vào trạng thái trầm cảm, cảm thấy cuộc sống chỉ là một chuỗi những ngày dài vô nghĩa. Thế nhưng, ở trong cái hoàn cảnh đó, ông mới nhận ra được cái ý nghĩa của cuộc đời, ông nhận ra mình cần làm nhiều hơn để khẳng định được ý nghĩa, giá trị của bản thân. Vậy là ông thay đổi suy nghĩ của mình, bắt đầu trở thành một nghiên cứu sinh, nghiên cứu về những định luật vũ trụ và cuối cùng là sự ra đời của các định lý vũ trụ, thuyết lượng tử nổi tiếng thế giới, chứng minh tên tuổi của Hawking. Nếu trong thời điểm đó, Hawking không thay đổi suy nghĩ của mình, chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng của hoàn cảnh thì liệu ông có thể tìm được giá trị vĩ đại của bản thân mình hay chăng?
Hoàn cảnh có thể không cho phép bạn có được hạnh phúc như mong muốn, nhưng thay đổi bản thân tốt hơn cũng là một cách để vươn tới ước mơ của mình. Trí tuệ thông minh nếu có thể đi liền với một cơ thể khỏe mạnh sẽ có thể phát huy hết được khả năng của mình. Hãy tập cho mình những thói quen tốt như tập thể dục, ngủ sớm, không sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh hay máy tính sẽ là những điều giúp cơ thể của chúng ta khỏe mạnh và xinh đẹp hơn. Thay đổi toàn diện, về chất về lượng là điều tất yếu, đừng nên cố gắng thay đổi hoàn cảnh, bởi hoàn cảnh là yếu tố chung, là ngoại cảnh tác động, hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân mình để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Ngày nay, đại bộ phận những lớp thanh thiếu niên ý thức được, hiểu được giá trị của việc thay đổi bản thân mình cho phù hợp với hoàn cảnh để có thể phát huy được tốt nhất năng lực của mình. Thế nhưng bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ không hiểu được giá trị của việc thay đổi, họ băn khoăn đổ lỗi cho hoàn cảnh gây ra khó khăn cho họ, họ thất vọng với hoàn cảnh mà sa đọa chính bản thân mình. Những thanh niên mới chỉ mười ba mười bốn tuổi, thế nhưng đã chơi bời, hút chích, nghiện ngập, ham game mà bỏ học, trở thành những tội phạm cướp giật, ăn cắp. Khi được hỏi, họ đổ cho hoàn cảnh, nói rằng cuộc sống quá khó khăn nên mới trở nên như thế, nhưng tại sao họ không thể học theo Stephen Hawking, học theo những trạng nguyên nổi tiếng như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình? Họ chỉ biết thất vọng, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bố mẹ, thực tại mà không hiểu rằng tất cả đều nằm trong suy nghĩ và tầm tay của họ.
Thay đổi bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh là một điều cực kỳ cần thiết trong cuộc sống. Bởi không ai có hoàn cảnh giống ai, không phải ai cũng có được một hoàn cảnh tốt để mà tự do phát triển bản thân mình, thế nhưng việc lựa chọn thay đổi bản thân, thay đổi quan niệm lại là điều nằm trong tầm tay bạn. Thay đổi là cách thức chúng ta hòa nhập vào cuộc sống, để trở nên hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Cuộc sống thay đổi mỗi ngày, con người cũng phải thay đổi. Hoàn cảnh là thử thách, là nơi thử thách ý chí, lòng kiên nhẫn của chúng ta. Vậy nên hãy tìm hiểu hoàn cảnh và thay đổi bản thân mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh đó để sau này không phải hối hận về những gì đã xảy ra và cũng là để trở thành một con người có giá trị đúng như câu nói “Tôi thay đổi để trở thành phiên bản tốt nhất của chính tôi”.
Luyện tập 3 trang 42 GDCD 9: Em hãy đọc các tình huống sau và đề xuất cách thích ứng với sự thay đổi một cách phù hợp, hiệu quả
Tình huống 1. Ngày cuối tuần, bạn N sang nhà bạn C chơi. Trong lúc cả hai đang chơi cờ vua thì có tiếng gọi thất thanh từ một người hàng xóm: “N đâu, về mau, nhà cháu cháy hết rồi kìa”. Vừa nghe xong, bạn N hốt hoang, bật khóc tức tưởi và luống cuống không biết phải làm gì.
Tình huống 2. Sau lần bị bỏng nước sôi, một phần ba khuôn mặt của bạn B bị sẹo. Bạn B rất buồn, tự ti, bế tắc và luôn tìm cách tránh mặt mọi người.
Trả lời:
– Tình huống 1. Trong tình huống này, bạn N cần:
+ Giữ bình tĩnh.
+ Liên hệ tới số điện thoại đường dây nóng để tìm kiếm sự trợ giúp của lực lượng cứu hỏa/ cứu hộ, cứu nạn (số 114 hoặc 112); đồng thời, trong lúc chờ đợi lực lượng chức năng; bạn N cần nhờ cậy sự giúp đỡ của hàng xóm và mọi người xung quanh để cùng ứng phó với tình trạng hỏa hoạn.
+ Đảm bảo an toàn cho bản thân.
+ Liên hệ với người thân (bố mẹ,…) để thông báo tình hình.
– Tình huống 2. Việc bị bỏng nước sôi có thể gây ra sự tổn thương về thể chất và tinh thần đối với ai đó. Để giúp bạn B thích ứng và vượt qua tình trạng này, dưới đây là một số gợi ý:
+ Chấp nhận và học cách yêu thương bản thân mình.
+ Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, nhằm giúp bản thân làm chủ cảm xúc, tăng cường tự tin và khích lệ tinh thần.
+ Trao đổi, tâm sự, chia sẻ cảm xúc của bản thân với người thân và bạn bè có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và cảm thấy được ủng hộ.
+ Bạn B có thể tìm cách cải thiện tình trạng da thông qua việc: sử dụng các loại dược – mĩ phẩm phù hợp (theo sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ)
+ Thử tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền, đi dạo,…. Các hoạt động này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt đau đớn.
Vận dụng
Vận dụng trang 42 GDCD 9: Em hãy sưu tầm một câu chuyện hoặc một trường hợp chưa thích ứng với sự thay đổi để xây dựng kịch bản và đề xuất cách giải quyết.
Trả lời:
– Tình huống. Bạn T rất đau buồn vì sự ra đi đột ngột của bà nội. Từ nhỏ, T được bà chăm sóc, chỉ bảo. Lớn lên, bạn vẫn rất gần gũi và thường hay chia sẻ, tâm sự với bà. Giờ không còn bà ở bên cạnh, T không chấp nhận được sự thật này, bạn thường nhốt mình trong phòng, khóc và chìm đắm trong sự đau buồn.
– Cách ứng xử: Để vượt qua nỗi buồn, bạn T có thể thực hiện một số biện pháp sau:
+ Chấp nhận sự thật về sự ra đi của bà nội.
+ Không nên trốn một mình trong phòng mà nên chia sẻ, tâm sự cùng người thân, bạn bè. Hoặc T có thể bộc lộ tình cảm của mình với bà nội thông qua các hoạt động như: vẽ tranh, viết nhật kí, sáng tác thơ, truyện ngắn,…
+ Hãy nhớ về những khoảnh khắc đẹp mà T đã trải qua cùng bà nội. Giữ lấy những kỷ niệm ấy sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi và an ủi hơn.
+ Thử tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền, đi dạo,…. Các hoạt động này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt đau đớn.
Xem thêm các bài giải bài tập Giáo dục công dân 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Bảo vệ hoà bình
Bài 6: Quản lí thời gian hiệu quả
Bài 7: Thích ứng với thay đổi
Bài 8: Tiêu dùng thông minh
Bài 9: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí
Bài 10: Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế