Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỉ III TCN đến cuối thế kỉ XIX)
Mở đầu trang 53 Lịch Sử 11: Vậy trong lịch sử Việt Nam có những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng tiêu biểu nào? Bối cảnh lịch sử, diễn biến chính và ý nghĩa của các cuộc đấu tranh đó như thế nào? Có thể rút ra những bài học lịch sử nào và những bài học đó có giá trị gì đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Lời giải:
– Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu:
+ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43)
+ Khởi nghĩa Bà Triệu (248)
+ Khởi nghĩa Lý Bí (năm 542 – 603)
+ Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427)
+ Phong trào Tây Sơn (cuối thế kỉ XVIII).
– Bài học kinh nghiệm:
+ Tập hợp lực lượng và phát huy sức mạnh của toàn dân.
+ Không ngừng củng cố và nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc.
+ Phát huy các bài học về nghệ thuật quân sự, như: tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện “Toàn dân đánh giặc”; “Tiên phát chế nhân”, “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, “tâm công”, “vu hồi”…
Câu hỏi trang 54 Lịch Sử 11: Trình bày nội dung chính và nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Lời giải:
– Bối cảnh: nhà Đông Hán đặt ách thống trị nặng nề lên vùng Giao Chỉ, khiến đời sống của các tầng lớp nhân dân cực khổ, lầm than. Mâu thuẫn dân tộc giữa người Việt với chính quyền đô hộ ngày càng sâu sắc
– Diễn biến chính:
+ Năm 40, Trưng Trắc, Trưng Nhị dấy binh khởi nghĩa ở Mê Linh. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định bỏ trốn. Trưng Trắc xưng vương, đóng đô ở Mê Linh.
+ Năm 42, nhà Hán cử Mã Viện đưa quân sang đàn áp. Sau một thời gian kháng cự Hai Bà Trưng lui quân về Hát Môn.
+ Năm 43, Hai Bà Trưng hi sinh tại Hát Môn, cuộc khởi nghĩa tan rã.
– Ý nghĩa:
+ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc đấu tranh vũ trang lớn đầu tiên, mở đầu quá trình đấu tranh giành lại độc lập, tự chủ lâu dài của người Việt trong thời kì Bắc thuộc.
+ Cuộc khởi nghĩa cũng thể hiện sức mạnh và ý chí quật cường của phụ nữ Việt Nam.
Câu hỏi trang 55 Lịch Sử 11: Trình bày nội dung chính và nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Lời giải:
– Bối cảnh: chính sách cai trị hà khắc, bóc lột tàn bạo của nhà Ngô đã khiến đời sống của các tầng lớp nhân dân người Việt cực khổ. Mâu thuẫn dân tộc giữa người Việt với chính quyền đô hộ ngày càng sâu sắc.
– Diễn biến chính:
+ Năm 248, Triệu Quốc Đạt và em gái là Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) nổi dậy khởi nghĩa ở Cửu Chân (Thanh Hoá). Sau khi Triệu Quốc Đạt qua đời, Bà Triệu được tôn làm chủ tướng, cuộc khởi nghĩa tiếp tục lan rộng.
+ Quân Ngô do Lục Dận chỉ huy kéo sang đàn áp. Khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu anh dũng hi sinh.
– Ý nghĩa:
+ Thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt Nam trước sự đô hộ của chính quyền phương Bắc.
+ Tiếp tục khẳng định sức mạnh và ý chí của phụ nữ Việt Nam.
Câu hỏi trang 56 Lịch Sử 11: Trình bày nội dung chính và nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lý Bí.
Lời giải:
– Bối cảnh: Từ đầu thế kỉ VI, nhà Lương siết chặt ách cai trị, thi hành chính sách thuế khoá nặng nề, khiến dân chúng ngày càng bất mãn với chính quyền.
– Diễn biến chính:
+ Năm 542, Lý Bí nổi đậy khởi nghĩa, lãnh đạo nghĩa quân chiếm nhiều quận huyện, đánh bại các cuộc tấn công của nhà Lương.
+ Năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, thiết lập triều đình, đặt tên nước là Vạn Xuân, dựng kinh đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội).
+ Năm 545, quân Lương tiến đánh nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế hi sinh. Triệu Quang Phục nắm quyền chỉ huy lực lượng kháng chiến.
+ Năm 550, Triệu Quang Phục lên làm vua nước Vạn Xuân.
+ Đầu thế kỉ VII, nhà Tùy đưa quân sang xâm lược, nước Vạn Xuân chấm dứt.
– Ý nghĩa:
+ Cuộc khởi nghĩa Lý Bí với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân đã khẳng định ý chí và sức mạnh của người Việt trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của chính quyền phương Bắc.
+ Cho thấy khả năng thắng lợi của người Việt trong công cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập, tự chủ.
+ Cuộc khởi nghĩa cũng để lại những bài học quan trọng về chính trị và quân sự trong quá trình giành độc lập, tự chủ về sau.
Câu hỏi trang 56 Lịch Sử 11: Trình bày nội dung chính và nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng.
Lời giải:
– Bối cảnh: chính sách cai trị hà khắc, bóc lột tàn bạo của nhà Đường đã khiến đời sống của các tầng lớp nhân dân người Việt cực khổ. Mâu thuẫn dân tộc giữa người Việt với chính quyền đô hộ ngày càng sâu sắc.
– Diễn biến chính:
+ Trong khoảng những năm 766 – 780, Phùng Hưng cùng em trai tập hợp dân chúng khởi nghĩa. Nghĩa quân bao vây rồi đánh chiếm thành Tổng Bình (Hà Nội). Phùng Hưng làm chủ, sắp đặt mọi việc.
+ Khoảng năm 791, sau khi Phùng Hưng mất, con trai là Phùng An lên nối nghiệp. Chính quyền đô hộ nhà Đường sau đó đưa quân đàn áp, buộc Phùng An phải ra hàng.
– Ý nghĩa:
+ Thể hiện ý chí và quyết tâm giành lại độc lập, tự chủ của người Việt.
+ Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa này đã cổ vũ tinh thần và góp phần tạo cơ sở cho sự thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự chủ đầu thế kỉ X.
Câu hỏi trang 59 Lịch Sử 11: Nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lời giải:
– Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
+ Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh, khôi phục hoàn toàn nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt.
+ Thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn đưa đến sự thành lập của vương triều Lê sơ, đồng thời mở ra thời kì phát triển mới cùng nền độc lập, tự chủ lâu dài của Đại Việt.
Câu hỏi trang 59 Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu kết hợp quan sát Hình 8, trình bày bối cảnh lịch sử của phong trào Tây Sơn.
Lời giải:
– Từ khoảng những năm 30 của thế kỉ XVIII, xã hội Đại Việt từng bước lâm vào khủng hoảng:
+ Ở Đàng Ngoài: chính quyền Lê – Trịnh suy thoái, không chăm lo đời sống nhân dân. Nhiều năm mất mùa, đói kém. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tục bùng nổ, đặc biệt là dưới thời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740).
+ Ở Đàng Trong: năm 1765, Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa khi còn nhỏ tuổi. Đại thần Trương Phúc Loan thao túng mọi việc, tham lam vô độ. Tầng lớp quý tộc, quan lại ở Đàng Trong sống hưởng lạc, xa xỉ. Do chế độ thuế khoá nặng nề và ngoại thương suy tàn, nền kinh tế Đàng Trong rơi vào khủng hoảng. Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Ở nhiều nơi đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa của dân nghèo, người dân tộc thiểu số.
=> Trong bối cảnh đó, phong trào Tây Sơn đã nổ ra.
Câu hỏi trang 60 Lịch Sử 11: Trình bày những diễn biến chính của phong trào Tây Sơn.
Lời giải:
♦ Phong trào Tây Sơn phát triển qua bốn đoạn chính:
– Giai đoạn 1771 – 1777:
+ Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ.
+ Năm 1774, quân Lê – Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân. Chính quyền chúa Nguyễn chạy vào Gia Định.
+ Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng vương.
+ Năm 1777, quân Tây Sơn tiêu diệt chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh chạy thoát.
– Giai đoạn 1777 – 1785:
+ Quân Tây Sơn kiểm soát phần lớn Đàng Trong.
+ Sau nhiều lần bị Tây Sơn đánh bại, Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm. Tháng 7/1784, khoảng 5 vạn quân Xiêm kéo vào Gia Định. Đầu năm 1785, hầu hết quân Xiêm bị quân Tây Sơn tiêu diệt trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút.
– Giai đoạn 1786 – 1789:
+ Giữa năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân do quân Lê – Trịnh trấn giữ rồi tiến ra Thăng Long, chính quyền chúa Trịnh sụp đổ.
+ Từ cuối năm 1786 đến giữa năm 1788, quân Tây Sơn ba lần tấn công ra Thăng Long. Vua tôi nhà Lê rời kinh thành, cầu cứu nhà Thanh.
+ Cuối năm 1788, hàng chục vạn quân Thanh tiến vào Đại Việt và bị quân Tây Sơn đánh tan trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa (1789).
– Giai đoạn 1789 – 1802:
+ Chính quyền Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, kiểm soát phía bắc Đàng Trong và toàn bộ Đàng Ngoài cũ.
+ Ở vùng đất phía nam, lực lượng của Nguyễn Ánh từng bước chiếm lại Gia Định.
+ Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời. Quang Toản lên thay nhưng không đủ năng lực, nội bộ triều đình mâu thuẫn. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh ra Thăng Long, Quang Toản chạy trốn rồi bị bắt.
Câu hỏi trang 60 Lịch Sử 11: Nêu ý nghĩa của phong trào Tây Sơn.
Lời giải:
– Ý nghĩa của phong trào Tây Sơn:
+ Phong trào Tây Sơn là sự hội tụ và là đỉnh cao trong cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống ách áp bức, bóc lột ở Đại Việt thế kỉ XVIII. Phong trào đã lần lượt đánh đổ các chính quyền chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê, đồng thời xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất quốc gia.
+ Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc chống quân xâm lược Xiêm và Thanh đã đập tan ý đồ can thiệp, xâm lược Đại Việt của các thế lực ngoại bang, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Câu hỏi trang 61 Lịch Sử 11: Nêu giá trị các bài học lịch sử của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Lời giải:
– Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học lịch sử của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ vững ổn định chính trị – xã hội, phát triển kinh tế – văn hóa; trong quá trình xây dựng và củng cố nền quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
– Bài học lịch sử của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam cũng có giá trị đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến đổi.
Luyện tập 1 trang 61 Lịch Sử 11: Lập bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc theo gợi ý: thời gian, địa điểm, lãnh đạo, những trận đánh lớn, kết quả.
Lời giải:
(*) Bảng tóm tắt: Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc
Cuộc khởi nghĩa, thời gian |
Địa điểm |
Người lãnh đạo |
Trận đánh lớn |
Kết quả |
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43) |
Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam |
Hai Bà Trưng |
Hát Môn; Mê Linh; Cổ Loa; Luy Lâu |
– Giành được chính quyền trong thời gian ngắn sau đó bị nhà Hán đàn áp. |
Khởi nghĩa Bà Triệu (248) |
Cửu Chân |
Bà Triệu |
Núi Nưa; Núi Tùng; |
– Bị nhà Ngô đàn áp. |
Khởi nghĩa Lý Bí (542 – 603) |
Giao Châu |
Lý Bí |
Long Biên; Dạ Trạch |
– Khôi phục nền độc lập, lập nên nhà nước Vạn Xuân. – Giữ được chính quyền trong khoảng 60 năm, sau đó bị nhà Tùy đàn áp. |
Khởi nghĩa Phùng Hưng (766 – 791) |
Tống Bình |
Phùng Hưng |
Tống Bình |
– Giành được chính quyền trong thời gian ngắn; sau đó bị nhà Đường đàn áp. |
Vận dụng 1 trang 61 Lịch Sử 11: Sưu tầm một số tư liệu lịch sử về phong trào Tây Sơn và sử dụng tư liệu đó để giới thiệu về phong trào Tây Sơn với thầy cô, bạn học.
Lời giải:
(*) Tham khảo: Tư liệu về cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785)
♦ Hoàn cảnh:
– Cuối tháng 7/1784, dưới danh nghĩa “cứu giúp Nguyễn Ánh, đánh Tây Sơn khôi phục cơ đồ của dòng họ”, vua Xiêm điều động 2 vạn thủy quân với hơn 300 chiến thuyền; cùng 3 vạn bộ binh tiến sang xâm lược Đại Việt theo 2 đường thủy bộ:
+ Thủy quân Xiêm do Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy phối hợp với quân của Nguyễn Ánh và Chu Văn Tiếp đổ bộ lên đất Gia Định.
+ Bộ binh của Xiêm do Chiêu Thùy Biện chỉ huy tiến sang đóng quân ở Chân Lạp, với âm mưu: từ Chân Lạp tiến về Gia Định, kết hợp với thủy quân để tấn công Tây Sơn.
– Cuối năm 1784, quân Xiêm – Nguyễn chiếm được một số vùng đất phía Tây Gia Định, đóng quân ở căn cứ Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang); sau đó gấp rút chuẩn bị lực lượng để tiến đánh thành Mỹ Tho và Gia Định.
♦ Diễn biến chính
– Được tin quân Xiêm đang hoành hành tại Gia Định, các thủ lĩnh Tây Sơn quyết định tổ chức phản công. Nguyễn Huệ được cử làm tổng chi huy cuộc phản công này.
– Tháng 1/1785, thủy quân Tây Sơn tiến vào đóng quân tại Mĩ Tho. Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với Chiêu Tăng nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ quân Xiêm – Nguyễn.
– Sau khi nắm vững tình hình bố phòng của địch, Nguyến Huệ chọn khúc sông Mĩ Tho đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến. Lý do:
+ Sông Mỹ Tho là một dòng sông lớn, phía trên tiếp nước Tiền Giang rồi đổ ra biển qua cửa Đại, cửa Tiểu và các nhánh sông Ba Lai, Hàm Luông. Đặc biệt, sông Mỹ Tho chảy qua phía trước Trà Tân và trấn lỵ Mỹ Tho là hai vị trí đóng quân và cũng là hai đại bản doanh của quân Xiêm – Nguyễn và quân Tây Sơn. Quân địch từ Trà Tân muốn đánh lên Mỹ Tho phải hành quân theo đường sông Mỹ Tho.
+ Chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến, chứng tỏ nghệ thuật lợi dụng địa hình hết sức tinh tường của Nguyễn Huệ. Dòng sông rộng cùng với các nhánh sông, cù lao, bờ sông ở đây đáp ứng đầy đủ yêu cầu bố trí một thế trận tiến công vận động lớn cho phép quân Tây Sơn bao vây chặt rồi chia cắt, tiêu diệt toàn bộ quân địch.
+ Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến sông Xoài Mút dài chừng 7 km. Lòng sông ở đây lại mở rộng hơn 1 km, có chỗ đến trên dưới 2 km. Với đoạn sông dài và rộng lớn như vậy, quân Tây Sơn có thể dồn hàng trăm thuyền chiến của địch lại mà tiêu diệt
+ Hai bên bờ sông Mỹ Tho ở quãng này cây cỏ còn rậm rạp. Hai loại cỏ mọc nhiều ở vùng này là cỏ lác và cỏ tranh. Ven sông gần mặt nước là một dải rừng cây bần khá um tùm. Những bãi cỏ lác, cỏ tranh và rừng bần ven sông là những chỗ giấu quân và mai phục thuận lợi của bộ binh Tây Sơn.
+ Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ, thường gọi là rạch, nhưng giữ vị trí quan trọng trong thế trận của Nguyễn Huệ. Thủy binh Tây Sơn bố trí ở hai rạch này sẽ là hai mũi tiến công lợi hại chặn đẩu và khóa đuôi toàn bộ đội hình quân địch một khi chúng đã lọt vào trận địa mai phục.
+ Khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, dòng sông Mỹ Tho có cù lao Thới Sơn, Thới Thạch, cồn Bà Kiểu… Bộ binh Tây Sơn bố trí trên những cù lao đó có thể dùng đại bác bắn vào sườn đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt những tên địch liều lĩnh đổ bộ lên đề tìm đường tháo chạy. Những nhánh sông nằm giữa các cù lao và bờ nam là những nơi mai phục và xuất phát của đội thuyền chiến Tây Sơn lao ra chia cắt đoàn thuyền của địch thành từng mảng để tiêu diệt.
– Sáng ngày 19 tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến, dụ chiến thuyền của quân Xiêm vào trận địa mai phục. Khi thấy đoàn thuyền của quân Xiêm đã vào hết trong khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ ra lệnh tổng công kích. Bị chặn đầu, khóa đuôi và bị hỏa lực của quân Tây Sơn áp đảo, quân Xiêm hết sức hốt hoảng và đội hình bị rối loạn, vô số quân địch bị giết chết tại trận.
♦ Kết quả: gần 4 vạn quân Xiêm bị tiêu diệt, buộc phải rút về nước; quân Tây Sơn làm chủ vùng Gia Định.
♦ Ý nghĩa:
+ Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của quân Xiêm, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của dân tộc.
+ Thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, dũng cảm, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.
Vận dụng 2 trang 61 Lịch Sử 11: Theo em, việc sử dụng tên các nhân vật lịch sử trong khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào Tây Sơn để đặt tên đường, tên phố, tên trường học,… thể hiện điều gì?
Lời giải:
(*) Tham khảo: Việc sử dụng tên các nhân vật lịch sử trong khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào Tây Sơn để đặt tên đường, tên phố, tên trường học,… đã thể hiện:
+ Lòng tri ân, sự vinh danh những cá nhân đã có nhiều công lao, đóng góp cho dân tộc.
+ Truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam;
+ Góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)
Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)
Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)